Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Màu của lặng yêm.


*nhan đề bài viết nhại theo (của) bài viết hai bác nhà bên.


Buổi tối thì làm gì? - Đương nhiên là không kể làm tình, thì người ta còn nhiều thứ làm khác, cụ tỉ như là, làm thinh.

Làm thinh tức là không làm gì cả, không là gì cả. Mà bởi không là gì cả nên nó khó. Làm thinh khó, phải nói là rất khó. Cố làm thinh tức cũng là đang làm-gì-đó rồi; hễ khi bóng đêm phủ xuống thì ngừng cả nói, ngừng cả làm, ngừng cả nghĩ - thở thì không phải nghĩ nên không tính là làm, không gì cả cho đến tận buổi hôm sau; một mình giữa những bức tường: hằng đêm, hằng tuần, hằng tháng, hằng năm. Rồi cũng đến lúc tèo. Hoặc giả là thành Phật, nếu may mắn không trót sa chân vào chốn vô minh mà người ta gọi là Khu D.

Khu D là một địa danh có thật, do ông Haruki phịa ra. Phịa ra làm gì? Tất nhiên là để kể chuyện. Chuyện kể về Khu D và những con người trong đó không có súng ngắm và dao găm, không có bom rơi và hầm trú ẩn, không có đạn bay vèo vèo và chú bé lòi phèo; tuyệt nhiên không có mùi thuốc súng, hay nỗi buồn nào - cái này là cuội. Khu D là nơi để người ta đến sống: sáng ăn cơm sườn, chiều thuốc lào say, cả ngày ngồi bay, tối về nằm thở; la cà như trái cà mà thật thà như đại gia. Chính xác là họ đến Khu D để ngừng làm thinh. Họ đến để học cách chung sống. Cố nhiên, chung sống là có màu xanh lá cây.

Mà sống chung thì nhiều chuyện mỏi mồm kinh lên được, he he

Vậy buổi tối không làm thinh mà không muốn mỏi mồm thì làm gì?

***

Vốn dĩ ban đầu nhan đề bài viết này là 'Le Pub thì có gì?'. Không kể rượu bia gái và khói thuốc, thì cái Le Pub có mà những chỗ khác không có là cái mà không ai dám chắc được. Nói trắng ra là chín người mười lưỡi, ai ăn nấy (tự) bỏ bột nêm; mặc dù ai cũng muốn ăn ngon nhưng ngon là ngon thế nào thì chịu chẳng ai dám chắc được. Tuy nhiên, ngõ hầu không làm khó người đọc cũng như để có thể tiếp tục thực hiện chương trình truy vấn buổi tối, có thể dẫn ra đây một đặc điểm có thể xem như phổ quát cho cái gọi là ngon: hết tô; ít ra là trong sự suy diễn: ăn ngon lành hết tô. Còn đối với Le Pub, thì đơn giản hơn nhiều: Le Pub có nhạc (xém) hay, có lợn bay, có thuốc cay, và quan trọng trên hết thảy, Le Pub có đồng say để cùng quay. Dù, túm lại, là có hay không cùng thì người ta say chỉ say một mình thôi, không chung được. Nên nỗi buồn cứ còn như sông.

Trở lại với buổi tối. Bây giờ ta không làm thinh nữa. Cũng không phải làm tình. Bây giờ ta đọc. Đoạn sau đây là tương tự na ná giống với trường hợp bạn đọc với tiếng điện thoại của Calvino; có khác ở đây là ngọt ngào lắm; cứ như là tình yêu, dù thực ra không phải - tình yêu thì không phải để định nghĩa mà định nghĩa thì chả thể yêu.

Cũng như tiếng điện thoại; sự tồn tại của một người có thể bị ảnh hưởng, bị chen ngang, bị xáo trộn chỉ bởi sự hiện diện của một người khác. Rằng không gian quanh đấy được điền đầy một tác chất huyền bí, mà cho đến lúc đó không hề có. Rằng khi nhìn vào vùng sáng vàng bên cạnh bình hoa trên bàn mọi ngày, như là nó có mùi thơm. Rằng mọi sự bên ngoài thốt nhiên đặc quánh lại nhưng trong đầu mọi thứ quay cuồng. Rằng đêm yên tĩnh đến độ như ôm lấy bạn: dịu dàng như là mây. Mà bạn thì không làm gì khác, không thể làm gì nữa, bạn chỉ mỗi việc làm thinh thôi. Hàng hàng giờ, hàng hàng giờ, hàng hàng giờ; nhìn lên vùng sáng vàng bên cạnh bình hoa cúc bi trắng trên bàn. Chỉ bởi sự hiện diện của một ai khác. Bởi cô ở đó.

Thế mà không phải yêu ư? Đéo!!!

***

Tôi có nhiều cái muộn, muộn như là kiểu muộn của bác nhà bên kia; tức là chuyện hiển nhiên với nhiều người khác nhưng chẳng hiển nhiên chút nào với tôi; tức là cho đến khi tôi khám phá được chân lý chói qua t[r]im ấy, tôi vẫn không hề hay biết rằng giữa hai anh em ngoài chuyện tới bữa ngồi vào bàn ăn cơm chung thì còn có thể nói chuyện và chở nhau đi cùng. Em trai với anh trai - đây không phải là hiện tượng trùng ngôn, dẫn theo bác già (chắc) là có râu hồi sáng bảo thế, mà là một sự biến nghĩa trong ngôn ngữ mà theo đó trai ở đây không phải là 'trai' mà mang nghĩa khác là 'ruột; tức là 'anh trai' cần phải được hiểu là 'anh ruột' - ngoài việc cùng là trai trước rồi, thì sau đó còn có thể làm anh em. Tức là đập phá thì có nhau và tình cảm thiết thân như là bạn thân - ai nấy lo. Tóm lại là anh em trai thì còn có thể nói chuyện với nhau, ấy là chân lý vậy.

Nhưng nói là nói chuyện gì? Quả thật tôi không biết nói gì. Tôi cũng không rõ người ta có thể nói chuyện gì. Họ đấy, những đôi tình nhân đấy, họ làm điều đó như thế nào. Thế nên tôi cứ lặng thinh. Thế nên tôi thường làm thinh. Bởi vì tôi thích làm thinh: trong lúc mặc cho suy nghĩ thơ thẩn đậu từ chỗ này rồi lại sang chỗ khác, trong ánh sáng vàng nhập nhiệu lan tỏa khắp không gian bao quanh, trong giai điệu chập chùm phát ra từ chiếc loa bên cạnh: "Không gái không khóc, tao bảo, không, không gái không khóc".

Không tao không khóc, đèn vàng vẫn sáng. Khóc làm cóc gì, tiếng nhạc bập bùm. Dù là đang làm biếng, làm siêng, làm thinh hay làm tình làm tội cũng chả quan trọng gì nữa. Có gì đâu, chỉ hiện diện thôi là đủ đem đến dễ chịu vô ngần, như chiềm vào lặng yêm rồi.

















































Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Nỗi buồn đi cầu



1. Tưởng tượng có hai đường bắt chéo nhau trong không gian; hai đường cong phẳng lồi không đồng phẳng, không song song với nhau nằm trong không gian ba chiều sao cho xét đoạn AB và CD chéo nhau có đạo hàm không đổi dấu trên toàn đoạn, và chọn hệ trục tọa độ sao cho AB luôn nằm trên CD. Tức là ta đang xây dựng một mô hình hiện thực hóa của mô tả nước chảy qua cầu. Tức ở đây là trường hợp của nước và cầu không trùng nhau; nếu gọi AB là cầu và CD là dòng nước.

Rõ ràng là nước và cầu không tiếp xúc với nhau: nước đi đằng nước, cầu nằm đằng cầu. Và tùy vào khoảng cách giữa cầu và nước, mà những cú cắm đầu xuống trở thành tắm cầu hay tắm máu; đó là một chuyện khác nữa. Chuyện này đến đây không nói nữa. Cắt. Chuyển cảnh.

Tiếp tục xây dựng các mô hình hóa của mô tả nước qua cầu; xét trường hợp đặc biệt hai đoạn vuông góc với nhau: như trên. Cắt. Quay lại.

Xét trường hợp đặc biệt hai đoạn trùng nhau, nghĩa là nước ở trong cầu giật nước phát trôi cbn đi dzồi còn đâu nữa mà xem với chả xét.


2. Lại nói chuyện đàng hoàng. Hình dung bạn đến một quán nhậu vỉa hè, bàn nhựa bày ngoài trời và ghế dựa có tay cầm. Bạn đến để ăn, để uống, để trò chuyện, để hút thuốc; nhất thiết bạn (phải) là gái (không nhất thiết phải là con gái). Cái cảm giác là gái, với váy hoa, ngả người trên sofa phù phà khói thuốc cũng có phần tương tự như (nổi) lềnh phềnh trong (bể) trời: nó huyền diệu, nó hoang đường, nó mộng mị, và nó rất gái. Nhất thiết phải là gái, bởi vì bấy giờ sau khi no nê có phần phủ phê mà tê tê, bạn rời khỏi bàn và chuẩn bị đi về. Dĩ nhiên bạn không thể nhớ được mình để quên cái gì nơi cái bàn bạn đang rời đi đó. Bạn không thể nhớ được vì những lời này không phải là để nhắc cho bạn nhớ mà là nói chuyện đàng hoàng: người đàng hoàng sẽ không làm điều xấu, họ sẽ không nổi lòng tham muốn chiếm lấy cái bạn để quên đấy làm của riêng. Họ sẽ ngay lập tức gọi bạn lại nhặt; họ thường là một trong những người ngồi cùng hoặc gần bàn của bạn; họ cũng thường không hút thuốc.

Tử tế lại là chuyện khác. Khác với người đàng hoàng, người tử tế không gọi nhắc bạn nhặt, người tử tế cũng không ngồi gần hay ngồi cùng hay ngồi chung liên quan với cái bàn của bạn: họ, có thể, chỉ đơn giản là người xuất hiện đúng nơi, đúng lúc, và gặp đúng người: bạn. Vì họ không gọi nhắc nên bạn không quay lại nhặt, nên bạn khật khưỡng, nếu có, mà đẩy xe ra, khật khưỡng, nếu có, mà vén váy đội nón rồi khật khưỡng, nếu có, dong xe về nhà. Người tử tế không xuất hiện lúc này, mãi một lúc sau khi bạn về nhà rồi họ mới xuất hiện: người tử tế, ở đây, là hắn xuất hiện với gương mặt chả thấy quen được một xị nào, có thể cười hoặc không, tay cầm gói Marl đỏ còn ba điếu mà nói: "Bạn/em để quên này." Bạn chẳng hề quen hắn, nhưng hắn thì biết bạn, rõ lắm, cô gái váy hoa hút marl đỏ uống bia sài gòn (nhiều) một mình trong quán. (Đấy, thấy làm gái váy hoa lợi hại chưa!)

Đến đây thì âu cũng cần nhắc lại câu này: Đời giờ đéo tin được bố con thằng nào; kể cả thằng này. Nghĩa là trong kỷ nguyên hậu hiện đại mà thời đại bất định này, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra, kể cả chuyện tử tế của một bao marl đỏ còn ba điếu.

Đương nhiên nhận xét là thuộc/của, ở đây là, người đọc. Không thể gán nó cho người viết được, cho dù đó là một trường đoạn tự sự thành thật tuyệt đối của người viết, bởi vì một khi những nhận định đó được viết ra thì lập tức nó trở thành một sự hư cấu và xô dạt khỏi bản thể người viết, mặc cho những mối liên hệ khởi phát của chính nó. Tóm lại, sự thành thật không thể tồn tại giữa những dòng chữ của người viết, nếu có chăng, chỉ có thể gọi đó là tận dụng sự thành thật của người viết không nhằm vào mục đích gì ngoài việc tạo nên cái không khí chân thật mà khiến cho người đọc bị dẫn dụ.

Vậy người viết dẫn dụ người đọc làm gì? Chuyện này đến đây không nói nữa.



3. Anh là cái đéo, hay không là cái đéo, thì mọi chuyện vẫn thế.

Rồi cũng nhẹ như nước trôi qua cầu, muốn cũng không sao níu lại được.



Tất thảy chẳng còn lại gì: nỗi buồn ga cuối còn nguyên.




















Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Tiên sư bố bọn nhà đèn; trời mưa buồn như chó cắn.


*một bác nhà bên thì đương bận tu tiên, một bác nữa thì biết tu gì mà ào ạt dân tình kéo đến xem chen lấn chen qua cả đây đông như quân xứ lạ; em tuổi nhỏ làm việc nhỏ, không đu theo các bác, em nói chiện đã rồi.




Nếu có thể, hãy mua ngay Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, hay một vọng ảnh ngắn gọn và không kém phần bớt ma mị từ bên kia chiến tuyến: Những thứ họ mang (Things they carried). Vì chiến tranh không phải chỗ cho người già; toàn chết trẻ.

Nếu có thể, trước những hừng hực lên đường, hãy nhìn sang bên kia khung ảnh: nhìn vào mắt mẹ; nhìn vào hàng chữ vừa viết, đọc to lên: Mẹ ơi! con đi giết người.

Nếu có thể, đừng từ chối cơ hội làm người tự do một phút giây nào; dù hôm nay phải chết; cho tự do của những kẻ khác - toàn người dưng.

Nếu có thể, hãy mang những nỗi buồn chiến tranh theo cùng và chết cùng cuộc chiến của nó; nhưng chớ mang về.

Nếu có thể, hãy sống.



Nếu có thể, đừng lạm phát nữa bố tiên sư cái bọn (đương) đánh nhau!




















Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Bài tình ca so nhành


*Không cần đọc bài này nếu như đã xem bài này và cái này trước rồi.



hẹn nhau nơi đồng hoang
khi sương rơi buổi mới
nhìn sang núi vơi đồi
bên kia mây thăm thẳm

ở đây trăng lủng lẻo
susu suối hào xanh
như vòng hoa dâu da
trên tóc đen con gái

người con gái không tên
bước trên mưa dưới phố

tất những gì không tên
những xôn xang ban sớm

đóa trà đương trắng ngần

lướt nhanh bên cung vắng
nghe mùi mưa-đất về
dọc theo là bờ vực

này người còn lạnh run?

gió thôi thổi rì rầm
ngỡ người cười khúc khích
chiều chìm trong sân toang

những nắm cỏ nằm xuống
mùi nào sau gấp áo
hương của vội mơ màng

thời này ai còn trẻ
thời này của dửng dưng

chỉ trong cái giang tay
là ôm trọn thế giới

trên nhành lá lung linh
trên hoa sao ngập lối
trên đồng hoang, - tất cả
trên tất mọi đỉnh cao
trên cả lời nhủ thầm

chẳng có chi to cả
anh yêu e.., thôi mà.











Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

Tháng năm




Mùa hè đến trong tiếng trẻ con. Lẫn tiếng cằn nhằn người già về ồn ào buổi giữa trưa.

Rồi trời mưa.





Ảnh: Natalie Norton