Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

không mùa


1.
(xin được vinh danh gã giang hồ tiếc nửa buổi :D)

mặt trời đen
thăm thẳm gió quấn mùa đông vào ngực
lão hát rong
vơi nhịp đàn
vang vang tha thướt giai điệu ba-tiếng ca từ
"nên ta yêu em
"nên ta yêu em
"ta yêu em
"yêu em
"yêu em.... "(*)

không mùa



2.

không còn nỗi nhớ cất riêng
mình trong ngăn tủ
chờ hong khô một ngày nắng
nỗi buồn xám giần giật
trên gió mùa trong đêm
hơn nửa mặt trăng sáng
ẩn sau bóng mình
giấc mơ thơm mùi kẹo sữa
nỗi nhớ cất riêng
không mùa


















(*) ai biết bài này bài gì hông?

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Định kiến chối từ




Tôi yêu một người đồng tính.

Liệu em có nhăn mặt không, khi nghe/thấy điều đó, từ một ngườilạ-ngườiquen-ngườibạn-ngườithân, hay từ chính bản thân mình?


***

Giới hạn của tâm trí con người là vô cùng. Hãy ghi nhớ điều đó! Trí tưởng tượng, sự tò mò và lòng ham thích hiểu biết là động lực thúc đẩy con người không ngừng tiến tới những khám phá cái mới. Cuộc sống đầy đủ hiện nay của em, chính là trái ngọt từ vận động không mệt mỏi của trí tuệ con người, cả mồ hôi, máu và nước mắt nữa. Nhưng cũng có không ít quả đắng. Con người anh hùng và con người cũng lầm lạc. Lịch sử là minh chứng, dù bài học lịch sử lớn nhất mà chúng ta học được từ lịch sử là chúng ta không học được điều gì cả. Có lẽ, bởi con người mau quên.

Trải qua bao lần vượt thoát, bỏ lại sau lưng những cấm kỵ của xã hội đương thời, lương tri con người ngày nay xem chừng đã và đang tiến dần đến hoàn chỉnh. Chưa thời đại nào có thể chứng kiến một người da đen làm Tổng thống của một đế quốc lập nên bởi những người da trắng, và trên máu của những nô lệ da đen; Chưa thời đại nào phụ nữ được hô hào trao cho quyền tự quyết: phá thai, li dị, bà mẹ đơn thân, cuộc sống đồng giới, ...; và chưa thời đại nào những sự thật trần trụi được bộc lộ với tốc độ chóng mặt; như hiện nay. Lương tri con người quả là rất chăm chỉ.

Nhưng ý tưởng về một chung cuộc trong vấn đề này, hay bất cứ vấn đề nào khác, đều là một mầm mống nguy hiểm. Nắm giữ chân lý, hay vinh danh chân lý, là một bước rất gần tiến tới chủ nghĩa cực đoan, rất gần tiến tới toàn trị, tới tội ác phi-nhân-tính. Dù cực đoan là con đường ngắn nhất dẫn đến phát triển, cùng với định kiến.

***


Định kiến làm xã hội độc ác và đố kị. Làm con người ta bon chen. Làm con người ta nhỏ nhen. Làm con người ta thay vì tự mình vượt lên trên, thì lại đi ngáng chân những ai hơn mình. Những cái đó làm đất nước mãi nghèo nàn và lạc hậu.

Những điều nằm ngoài sách vỡ, em rồi sẽ được học/thấy; những gì tốt đẹp, cũng như xấu xí.

***

Chiến tranh tất nhiên là xấu xí. Nhưng khi chiến tranh ngừng tiếng, dưới vòm trời xanh và những cánh đồng ngô vàng trải dài típ tắp, những đứa bé hòa bình sẽ ra đời. Đứa bé đó tên là Nadezhda; hoặc Esperanza; hoặc Ruya; hoặc bất kỳ cái tên nào khác nữa. Quan trọng là đứa bé đã chào đời. Quan trọng là những đứa bé hòa bình đã chào đời. Và cuộc sống lại bắt đầu một chu kỳ mới, với món quà vô giá của tự nhiên.

Đó là Hy vọng.

***

Bản chất của cuộc sống là không ngừng tái tạo thành những dạng nguyên liệu sống thích hợp; bản chất của giáo dục là liên tục tái tạo các khối lượng tri thức cần thiết phù hợp với cuộc sống. Nhưng không gì có thể đảm bảo cho một kết cuộc tốt đẹp; không tri thức nào có quyền phán định điều gì là sai trái và điều gì là đúng đắng. Tri thức khoa học không thể giúp gì em trong việc xác định những tiêu chuẩn đạo đức, dù ý niệm về đạo đức là rất mong manh và phập phồng như chính bản thân cuộc đời vậy. Và em phải tự học thôi, những gì đúng-sai ấy, từ chính cuộc sống phập phồng quanh mình, em ạ.

Các em rồi sẽ lớn và có cuộc sống của riêng mình. Nếu đủ may mắn (hoặc quá xui xẻo), sẽ có gia đình, rồi may mắn hơn, sẽ có những đứa con, rồi các đứa trẻ sẽ lại lớn, rồi lằng nhằng các thứ lại tiếp tục. Rồi sẽ một lúc nào, tại một nơi nào, các em sẽ cảm thấy tự hào về cuộc đời mình, về những gì đã qua, về tất cả mọi thứ. Và cả kiêu hãnh.

Rồi em cũng sẽ chết, và các câu truyện sẽ được kể lại, hoặc không.

Nhưng đừng bao giờ chấp nhận cúi mình dưới cái bóng định kiến của kiêu hãnh. Hãy là người tự do!

Bởi chúng ta vẫn không thôi hy vọng ở một tương lai tốt đẹp hơn - mọi thứ phải tốt đẹp hơn! Nhưng chúng ta vẫn không thôi hy vọng ở một tương lai tốt đẹp hơn - mọi thứ phải tốt đẹp hơn!

***


Và đó luôn là Hy vọng!

















Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

Truyện cực ngắn về răng.



1. Theo sau mỗi lần dọn phòng tắm là mỗi lần chai lọ các kiểu được tái cơ cấu vị trí. Điều này quá đỗi hiển nhiên không cần phải để ý cho đến một lần nọ, khi hắn phát hiện chai dầu gội và chai sữa tắm đã âm thầm được đổi chỗ không biết từ lúc nào. Nghĩa là tối qua hắn đã dùng sữa tắm gội đầu và dùng dầu gội để (lại) gội đầu. May mà hết kem đánh răng.


2. Buổi sáng, đi tắm. Sau khi gạt cần tắt nước, hắn bước về phía giá gương. Vừa đi vừa nghĩ nghĩ, ngước mắt lên là thấy chai dầu gội: (tiềm thức bùng lên mạnh mẽ): "dầu gội, dầu gội, gội đầu". Hắn liền cầm cái chai lên, đổ dầu gội vào lòng bàn tay, rồi nhìn cái vùng màu trắng đục thơm mùi quen tóc mình. Trong một tích tắc, ký ức ùa về: "Ủa, đánh răng mà?". Trong tích tắc thứ hai của thực tại hắn thấy một con lừa.


3. Ngồi dậy trong cơn nửa tỉnh nửa mền mệt của giấc ngủ ngắn tối qua, nhìn buổi sáng hửng lên rọi qua tấm màn dày và nghe chẳng một tiếng gì, hai thằng kia vẫn nằm như chết, và hắn hát: "Giờ chơi đến rồi, giờ chơi đến rồi, dậy đi thôi, dậy đi thôi". Thề có Chúa, Allah, Phật tổ hay bất cứ ai có tồn tại, hắn còn chưa kịp hiểu cái của nợ đó từ đâu chui ra thì miệng đã phọt cả ra rồi. Chả hiểu đầu cua tai nhéo thế nào; sáng đó hắn không đánh răng, lần hai.


















Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2010

Viết tản văn



Làm người rất mệt. Bất cứ khi nào cũng có thể bật ra hàng đống câu hỏi nhỏ nhặt về lựa chọn, mà việc trả lời hoặc kiếm tìm câu trả lời đều là xa xỉ, như là: Tại sao là cô ấy? Tại sao ngồi chỗ này? Tại sao là thư tay? Tại sao, con bò? Tại sao, con trai? Tại sao mình lại sống? ... Và trước khi lấn sâu hơn vào địa phận siêu hình của tồn tại, dù quả thật điều đó là không cần thiết; tồn tại là dĩ nhiên trước bất chấp mọi nỗ lực lý giải: trước cuộc đời, khoa học chỉ là con kiến, dù nhiều lúc kiến cắn thì rất đau.

Cũng không thể lý giải được, trong một sáng chủ nhật nằm xoãi dài trên đệm và ngắm gió đung đưa những chiếc đèn lồng đỏ trên cao và trong lòng cảm thấy dễ chịu vô ngần; cũng không thể lý giải vì sao tôi chọn viết tay, thay vì đánh máy như lệ thường. Không thể lý giải. Nhưng tôi yêu thích cảm giác này: cả thân người đổ dồn lên viết và con chữ dần dần hiện ra. Có xấu thì vẫn là chữ, đọc được.

Có thể là do cây bút; tôi thích cầm nó, tôi thích những nét vẽ nên bởi cây bút này: những chuyển động mềm mại, những nét vút sắc lẹm và êm tay. Có thể chỉ là tôi tưởng tượng. Tôi cũng không rõ.

Nhưng chắc chắn, là tản văn, tôi có thể dễ dàng chuyển từ cây bút sang bài nhạc vô tình được nghe, - điều mà như làm sống dậy một vùng ký ức dù chưa xa lắm nhưng hiếm khi gặp gỡ: tiềm thức quả có những kết nối không ngờ; ký ức trơ tráo hiển nhiên khỏi nói rồi - như thể là một điều quá sức hiển nhiên, quá sức có liên quan. Hiển nhiên chết được!

Và cũng hiển nhiên nốt khi nói rằng cuộc sống này đơn giản lắm là đơn giản. Không cần phải có trí tuệ phi thường để có thể sống một cuộc đời có ích thú vị. Ngược lại, với những trí tuệ được vinh danh phi thường, chẳng có mấy điều thú vị để nói cùng; dĩ nhiên là trước khi họ viết hồi ký, điều duy nhất thú vị, với đa số chúng ta. Nhưng điều đó cũng không cho họ một kết cuộc khả dĩ nào phi thường hơn chúng ta; chúng ta rồi cũng sẽ già, cũng lên nóc tủ ngắm con gà khỏa thân. Và tất cả những điều còn lại là huyền thoại. Đương nhiên, Mặt trời không bao giờ có thực.

Song, tự nhiên không phải phân bố đều. Tức, điều này là hiển nhiên với người này, có thể không có nghĩa gì với người khác nữa: tôi đã mất rất lâu để có thể hiểu được rằng, ngoài xem tivi, người ta có thể làm gì vào buổi tối. Người ta có thể đọc sách. Hoặc không.

Tức là tôi đang đề câp một vấn đề riêng tư, một câu hỏi muôn thuở, mà dù thời đại công nghệ này có thể tiến xa đến đâu, con người không thể khước từ đối mặt, hay thậm chí có thể không hề biết: bạn làm gì trong quãng thời gian chờ đợi trước khi bước lên chuyến tàu sau cuối; no refund, no return.

Làm người rất mệt. Bất cứ khi nào cũng có thể bật ra hàng đống câu hỏi nhỏ nhặt về lựa chọn, mà việc trả lời hoặc kiếm tìm câu trả lời là xa xỉ. Nhưng cuộc sống vốn dễ chịu; không buộc phải trả lời hàng đống câu hỏi về độ dòn, độ tươi, độ ngọt, độ ngon ... của một trái táo trước khi ăn, (về hàm lượng dư chất trừ sâu thì có muốn cũng chẳng biết được): cắn một miếng táo và chờ đợi món quà của sự bất ngờ, rồi thử lại, nếu còn (dám) thích. Và theo đó, bằng cách tiếp tục sống, đến một lúc nào, những câu trả lời sẽ xuất hiện, ở dạng này hay theo cách khác, quan trọng là thời điểm; cũng như những ngạc nhiên được trông chờ sẽ xuất hiện, quan trọng là bao giờ?

Mặc dù vậy, có điều gì đó để trông đợi trong cõi đời ô trọc này vẫn tốt hơn, dù chỉ nhỏ nhặt như là được tặng một quyển sách. :)























:(













.

Thứ Năm, 7 tháng 10, 2010

Hà Nội lúc không giờ,



cũng mất một lúc mới sang đến bờ bên kia; ở giữa, dòng sông vẫn tuôn trào. Hai chiều đường chật kín, từng tốp nói cười râm ran, tiếng trẻ con vòng quanh í ới; còi xe bức bối, xe tuần tra liên tục nhá đèn không ngừng thúc bách: dòng chảy xoay đều, xoay đều. Họ đi chơi hội.

Hoặc là giấu mặt giữa bốn bức tường, kiên quyết cố thủ trong bóng đêm với núi lương khô trữ sẵn, hoặc phải vào phố, nếu không muốn ra khỏi phòng bằng cáng và tên trương lên mặt báo trong chuyên mục Chuyện lạ của báo Dân Trí: "Xác chết thúi trong phòng khách sạn"; tôi phải vượt sông thôi. Cũng may, Hà Nội đi ngủ sớm.

Bỏ lại dòng sông, tôi vào phố.

Từ Cao Bá Quát ngoằn nghèo một lúc thì ra được khoảng sân rộng xe lao vèo vòe, mà chếch bên mé trái là văn phòng luật của con trai nhà thơ muốn bay vào vũ trụ, trước cả anh hùng Phạm Tuân, băng ngang qua đồng chí Dưới cờ Đảng vẻ vang, ngang qua cả con đường nườm nượp lúc nào muốn ngang qua cũng phải chờ một lúc, rồi rẽ phải đi trên lề độ năm phút thì rẽ vào Tôn Thất Thiệp, chỉ một đoạn ngắn là ra được Trần Phú - Trần Phú này lấm lem hơn hẳn Trần Phú ngoại giao phía trên, rồi rẽ phải về phía phố ăn đêm, băng qua cả đường ray vào Hà Trung, buổi tối vắng lặng, chỉ có dãy đèn lồng thắp điện giăng cao một bên, đường chẳng mấy người.

Đa phần những con phố khác cũng vậy. Ngõ Yên Thái khi trời chưa tối dập dìu người bán kẻ mua của cái chợ tự phát-cái chợ chồm hổm ngồi bên cạnh tấm biển đỏ chót "Cấm họp chợ" đặt ở đầu ngã ba, - lúc nào cũng có đôi ba người đeo băng đỏ ngồi cạnh, rẽ ra phố lớn Hàng Bông; toàn người già, không biết ngồi canh gì, không biết cần canh gì. Từ ngã ba, đi theo hướng nào cũng ra được phố lớn, từ ngã ba đi đâu cũng thấy người với người, lúc nào cũng vậy.

Thông thường, tôi đi thẳng; đi hết ngõ Yên Thái rồi ngoặt ra Hàng Mành, sẽ tìm được một loạt mini shop - nơi hàng bán theo giá niêm yết và người mua không (cần) được trả giá. Thậm chí, không cần cả nói: chọn cái shop sau chót bước vào, lẳng lặng ra phía tủ mát phía sau, chọn lấy một chai nước cam và một chai nước suối cỡ nhỏ, đem đặt lên quầy, trả tiền, rồi bước ra; lần nào cũng như lần nào, cô bé bán hàng lí nhí cảm ơn khi nhận tiền: trong một thoáng, tôi được làm người nước ngoài. Chỉ trong một thoáng.

Đã rất gần bờ hồ, đi bộ chừng dăm mười phút vòng vèo các phố lớn là tới. Chút nữa thôi. Chỉ chút nữa thôi. Nhưng tôi từ chối, tôi thích được (điên) một mình.

Rồi tôi trở về, dọc theo con đường độc đạo, dần tua lại khung cảnh thanh bình của phố đêm, trước khi lại trầm mình vào cơn hoan hỉ của đám đông điên cuồng chưa bao giờ dứt. Họ đang sống.

Con người ta thuở ấy cũng như con người ta muôn thuở chỉ lo sống, cứ thế sống, sống và chỉ có sống mà thôi. (*)


Quan trọng là được sống. Nhưng không phải lúcnào-ởđâu cũng có thể.



























(*) Bảo Ninh


J101 - Nina Simone


































.

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

tháng mười, không một (thôi).



1.

Tôi đi tìm mùa thu
thành phố xám
hàng hàng hoa sữa
cơm nguội chưa vàng.

(tôi đi tìm mùa thu
thành phố xám
gió 4g chiều vi vút từ đầu buổi
bỏ xó mặt trời.)

mùa thu hụt.


2.

tôi đi giữa mùa thu
cái loa phường
lũ lượt
rồng bay
thay nhau cưỡng hiếp mặt hồ rêu.


3.

tôi đi cùng ngàn năm
nhân gian-một đóm tàn.















Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010

tháng 9, bù ba.


mùa thu chín


1.

Những ngày mưa nhoe nhoét
trôi quên mất lối về

những ngày mưa-ướt át
dấp dính
như da thịt người tình
quện siết
căng tròn
xoăn sít
siết.siết.siết.siết.siết.siết.siết.siết.síiT

mùa thu chín.


2.

những cơn mưa
rèm che hấp háy
những cơn mưa
đệm ấm chăn đùng
những cơn mưa
hơi thở gấp
thập thùm-thập
...............thùm
hây hẩy thơm
môi mềm
những buổi mưa


3.

Ôm em đi! trời nghiêng gió lặng
Hôn em,
nắm tay-làm tình.
















Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010

tháng 9, không tám.


này thì là này thơ.
(đương nhiên không phải em làm ạ)




Một ngày mưa trên phố

Sài Gòn mưa ướt trời đêm
xuýt xoa
may ấm mắt em đèn vàng
đôi khi đại lộ thênh thang
mình đi cứ ngỡ hai hàng cây đi
người che mưa ướt cong mi
cho ta trú dưới nhu mì của em!.

Sài Gòn mưa ướt trời đêm
bỗng dưng phố xá thật hiền trên tay
Vỉa hè rượu uống không say
giọt mưa mang nỗi buồn bay về trời
người đi cho kịp đêm trôi
ta đi cho kịp nụ cười môi em.

Sài Gòn mưa ướt trời đêm
tiếng dương cầm chảy ướt mềm vòng xe
chân trần tránh xác lá me
mới hay mình cũng nửa quê nửa mùa
Sài Gòn còn một đêm mưa
Người quê, kẻ phố kịp giờ nhập đôi.




Du ca

Chiều
Ai nhóm bếp củi ngo
khói lam đan sợi níu đò triền sông
người ngang dọc
mùa đi vòng
tìm về
chim ngói, cánh đồng reo ca.

Thương bờ cúc dại quanh nhà
huây hoai hương rạ len qua tuổi tình
hát khi ngồi với bình minh
chuông chùa hòa khúc yên bình từ tâm
hình như...
tha thiết trăng rằm
một lần thơ dại được cầm tay em.

Sương khuya gầy ảo dáng hiền
Mẹ cho vóc hạc khắp miền lãng du
về gối đầu với mùa thu
hoang vu còn ấm lời ru nửa đời.

Quê ơi,
khao khát lở bồi
cắm sào cúi nhặt bóng tôi bên người


- Tú Trinh, 2003.