*(bài này sẽ lại dài) tặng Tr, mụ phù thủy không biết bay không biết bơi nhưng khoái trèo cửa sổ.
1. Trở lại những ngày đầu của cuộc Nam tiến, hai chữ khẩn hoang chưa hẳn đã xuất hiện như là một ý tưởng chủ đạo trong suy nghĩ của vị hoàng thân họ Nguyễn; Nguyễn Hoàng cùng với gia đinh tiến vào vùng đèo Ngang hoang sơ, đầu tiên và hoàn toàn là để được sống. Thời cuộc binh biến, thế lực lớn mạnh của người anh rể là mối nguy chờ chực. Vùng đất và cơ nghiệp trung hưng vừa mới manh nha thành hình, nay đã trở thành đất dữ, khó lòng ở lâu. Muốn sống, Nguyễn Hoàng phải vào Nam.
Xét tới thời điểm bấy giờ, đấy không phải là cuộc khai khẩn đầu tiên, càng không phải là một cuộc phiêu lưu vĩ đại gì; nhưng chính là bước đầu tiên quan trọng cho cả một công cuộc khai khẩn dày công sau đó: cũng như Nguyễn Hoàng, những con người không nhìn đâu ra tương lai ở vùng đất cũ, lên đường Nam tiến tìm kiếm cuộc đời mới. Những người đi vỡ đất, chỉ với niềm hy vọng mở đường: sống. Những người đi, phần nhiều, cũng chỉ vì thế.
Đất Nam thành hình dần qua bao mùa nước nổi, nhờ vào bàn tay và khối óc của biết bao thế hệ cần lao - những người khắp xứ bôn ba đến nơi đây, mưu cầu cuộc sống. Bất kể xuất thân, bất kể tiếng nói, họ, những kẻ bỏ lại quê hương, tề tựu về đây dưới cùng một hy vọng, tề tựu về đây trong cùng tiếng nói, để an cư rồi lạc nghiệp. Hoặc khả dĩ là lại tiếp tục cuộc bôn ba.
Đất Nam không từ một ai, đất Nam đãi tất cả, sang hay hèn, con buôn hay chiến binh, công bằng và dung dị như nhau. Miễn là họ có những tháng năm gian nan ngược xuôi trên mảnh đất này. Đấy là một tinh thần Ngọc mà không phải mảnh đất nào ở Viễn Đông cũng có.
Đất Nam ở đây là dải đất phía Nam, kéo dài theo chiều cong đuôi chữ S của nước Việt. Người Việt nói tiếng Việt, dù đi đến bất cứ đâu vẫn là người Việt.
Tiếng Việt còn thì người Việt còn, người Việt còn thì nước Việt còn.
2. (Về chữ và nghĩa)
An cư rồi lạc nghiệp, cuộc sống dù ở đâu rồi cũng (đã) phải có lần nghĩ đến: muốn lạc nghiệp (thường) phải an cư, muốn an cư (thường) phải lập thất; không phải là duy nhất, nhưng là thông thường nhất. Lựa chọn giữa đời sống độc thân tự do bay nhảy, hay cuộc đời hai mình yên ả và trách nhiệm là chuyện không phải để bàn. Việc gì cũng có giá. Nhưng một khi đã chọn cái hạnh phúc bình dị và yên ấm ấy, đám cưới là bước tiếp theo hiển nhiên, ít ra là đúng với (phần nhiều) người Việt. Đám cưới là niềm vui bắt đầu. Đám cưới người Việt bắt đầu bằng niềm vui báo tin.
'Đám cưới' là tiếng Nôm, thường được dùng trong báo tin và chuyện miệng. Còn lại thường các chữ được dùng 'chính danh' treo bảng, như: vu quy, kết hôn, thành thân, thành hôn ... đều có gốc chữ Hán.
Theo Từ điển Hán-Việt giản yếu của Đào Duy Anh:
- vu trong vu quy có nghĩa là 'đi qua', quy nghĩa là 'về - trở về': vu quy (có thể hiểu) là đoàn rước đưa cô gái đi qua đoạn đường dài (ngắn càng tốt) trở về nhà của chàng trai (mà cô sắp sửa gọi là chồng).
Cũng theo đó:
- hôn trong kết hôn và thành hôn là cùng một chữ, nghĩa là buổi chiều hôm, lấy vợ, (wikipedia tiếng Việt trong phần Lễ cưới hay Đám cưới Việt Nam, cũng dẫn theo Đào Duy Anh, ghi: hôn nghĩa là buổi lấy vợ thường diễn ra vào buổi chiều hôm).
- kết nghĩa là 'thắt buộc lại với nhau - tụ họp lại'; thành nghĩa là 'xong - nên việc - dựng nên': (ngày) thành hôn là (sau bữa này nữa) là việc lấy vợ xong rồi; kết hôn là (bữa mà mọi người tụ họp lại với nhau để chứng kiến) người con trai cùng người con gái thắt buộc cuộc đời lại với nhau. Tuy nhiên, chữ hôn còn có hàm nghĩa là 'theo chồng'.
- thân nghĩa là 'thương yêu - gần gũi - cha mẹ - họ hàng': thành thân, do đó, có thể hiểu là (buổi mà) việc người con trai và người con gái trở thành những người thương yêu gần gũi như ruột thịt (sau buổi đó) là xong.
3. Ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trọng lễ vẫn còn dấu vết trong xã hội hiện tại, rõ ràng nhất là trong các tập tục truyền thống. Đám cưới người Việt cũng vậy. Sử dụng các Hán-Việt từ như là 'chính danh' cho các dịp, hội trang trọng là một cách thể hiện sự trân trọng và ước muốn hạnh phúc, ngoài ra, còn là thể hiện một quan điểm: đám cưới người Việt là cưới vợ - theo chồng.
Tất nhiên, từ ngữ và ngữ nghĩa phải luôn được xem xét trong mối tương quan với bối cảnh xã hội đồng thời. Những hoạt động của xã hội con người, cũng như xét về quan niệm của thời đương đại, làm thay đổi, hoặc cả biến đổi, ngữ nghĩa của từ ngữ rất nhiều, so với nghĩa đầu tiên được ghi nhận. (Mà) xét cho cùng, chữ với nghĩa rốt cuộc cũng chỉ là công cụ (cố gắng) thể hiện mong muốn của chính con người.
Xã hội mỗi thời mỗi khác, con người mỗi lúc một khác, và từ ngữ, cho dù trong cùng một thời, cũng là rất khác nhau. Ví dụ như đám cưới là: Hochzeit trong tiếng Đức, Bruiloft trong tiếng Hà Lan, शादी trong tiếng Hindu, ślub trong tiếng Ba Lan, boda trong tiếng Tây Ban Nha ... Tuy khác nhau về tiếng nói và chữ viết, nhưng đám cưới ở đâu cũng vẫn là đám cưới. Và nếu phải chọn một chữ có thể nêu lên, gói gọn tất cả tinh thần chung nhất của đám cưới, tôi chọn 'thành thân': hai con người, tự nguyện đến với nhau, gắn bó yêu thương như ruột thịt. Không phải là chồng cưới vợ, không phải là vợ theo chồng, mà là (cùng nhau) thành thân.
Bất định là tất định, không ai có thể nói trước về cuộc đời. Dù cho là xuất phát từ một tình yêu say đắm và nồng nàn, hay là một nguyên nhân nào đó khác, thì cũng không thể nào là lý do đảm bảo cho một cuộc hôn nhân luôn toàn vẹn và dài lâu. Bản chất con người vốn thay đổi. Nhưng nếu không có ý niệm nguyện cùng hạnh phúc lâu dài, thì đám cưới cũng chẳng nên là đám cưới để làm gì. Ít ra là phải có ở lúc ban đầu, ít ra là nên có tới trước lúc con người thay đổi.
Bởi lẽ, thành còn có nghĩa: là 'nhất định không thay đổi'. :)