Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Làm thế nào để tin một câu chuyện cổ tích?



Hỏi như vậy là không đầy đủ: thứ nhất, câu hỏi như trên là đã tiền giả định rằng hoặc những câu chuyện cổ tích là không đáng tin hoặc tin vào chuyện cổ tích là một hành động không bình thường; thứ hai, hỏi như vậy còn ngầm thừa nhận sự tồn tại của một quan điểm trong xã hội rằng chỉ có con nít mới còn tin vào những câu chuyện cổ tích, hoặc hoạ chăng nữa là những người lớn ngớ ngẩn. Vì vậy, câu hỏi trên, nếu viết lại ở dạng đầy đủ, phải là: Làm thế nào để một người lớn (có thể) tin vào một câu chuyện cổ tích?

Thú thật tôi cũng chẳng biết làm sao. Khác với trẻ con, người lớn là một thể loại cứng đầu không thể bảo ban gì được. Nhất là trong địa hạt của tin và không tin, họ - những kẻ thừa kinh nghiệm và sẵn đau thương - rất biết cách nghi ngờ. Và trước nhất, họ nghi ngờ những câu chuyện cổ tích. Vì chúng quá tốt đẹp để được nhìn thấy có thực trong đời thường.

Không như người lớn, trẻ con có một thôi thúc mạnh mẽ để nhìn thấy những gì tốt đẹp hoặc gây hứng khởi trong bất kể thứ gì chúng để mắt đến. Thường là rất thú vị. Ví dụ trong một lần được bố dắt đi bảo tàng quân sự, thằng nhỏ 3 tuổi đã thốt lên: "Trong này toàn đồ chơi đã hết pin". Hay một lần khác khi vì quấy mà bị bà doạ dẵm cho tự đi về nhà, con bé lớp chồi đã đáp lời ngay lập tức: "tự đi về nhà rồi bị bắt cóc thì làm shaooo?". Những lời ngô nghê nghe thật thích, có khi cũng vì ta tin rằng chúng vốn ngô nghê, phải không?

Cũng như vậy, khác với người lớn, trẻ con không nhìn những câu chuyện cổ tích không phải dưới áp lực mong muốn nhìn thấy cái-gì-đó biến thành sự thật. Dẫu rằng cái ước muốn đấy là có, nhưng đối với chúng, những khám phá mới mẻ có sức hấp dẫn to lớn hơn. Và đây cũng là khác biệt cơ bản của còn trẻ và lớn lên: trẻ con không có sẵn, hay đúng hơn là chưa có, những ý niệm về một thế giới trần trụi hơn, cũng như rộng lớn hơn, để so sánh và đối chiếu với thế giới của chuyện kể. Hay nói một cách khác, là thế giới của tưởng tượng.

Minh chứng cho điều này không phải là khó. Nếu đã từng một lần kể chuyện cho trẻ con, hoặc nói chuyện thôi, hẳn là bạn sẽ nhận thấy chúng không lưu tâm đến bất cứ cái gì trong câu chuyện, ngoài những câu hỏi: chúng hỏi liên hồi. "Ba ơi, tại sao uống nước thì hết nấc cụt?" hay " Ba ơi, sao ba ăn nhiều quá vậy? Ba ăn nhiều để ba mau lớn hả?" hay "Ba ơi, đám mây từ đâu đến?" hay "Ba ơi, tối nay mình đọc mấy truyện?" hay "Ba phải làm việc để mua sữa cho con với em hả ba?"...

Trong khi đó, người lớn đang mải vật lộn với những tính toán, và cả nghi ngờ.

Việc nghi ngờ không đồng nghĩa rằng người lớn chẳng chút mảy may tin vào chuyện cổ tích - thế giới tốt đẹp của nó. Nhưng đó cũng hoàn toàn không phải là tin. Thái độ tin cậy của người lớn, nếu có, đối với những câu chuyện cổ tích là một sự trì hoãn. Họ ngập ngừng và ỡm ờ; họ lưỡng lự và bóng gió; họ phỉnh phờ rồi lại vờ vĩnh: cốt sao làm cho trẻ con tin rằng thế giới này là tốt đẹp. Đó gần như là nói dối; họ đã lớn đủ lâu để hiểu được rằng đôi khi những gì được nói ra không nhất thiết phải là sự thật, nhưng cần thiết.

Tôi tin rằng niềm tin là Đẹp. Dù cái Đẹp của niềm tin nhiều lúc không phải là cái Thiện. Điều đó rất buồn.

Tôi tin rằng thế giới này là tươi đẹp, và trẻ con chính là một cơ hội để tái hiện lại điều đó.

Tôi tin rằng trong mỗi con người, dù lớn lên, luôn tồn tại một đứa bé của tuổi nhỏ, nơi chúng ta không ngừng thực hiện những cuộc quay về, dù bất thành. Và việc khó khăn nhất của lớn lên không phải là học cách trưởng thành, mà làm sao để luôn giữ được mối liên hệ với đứa trẻ bên trong đó: nó giúp cho mỗi người lớn luôn trẻ.

Nhưng như thế không có nghĩa là người lớn có thể lại trở thành con nít, hay tin vào các câu truyện cổ tích như con nít được. Hiển nhiên như là chỉ có con nít mới tin vào những câu chuyện cổ tích thôi.

Như vậy, có thể rằng không thể nào tìm ra được một phương cách khả dĩ làm cho mọi người lớn tin tưởng tuyệt đối vào những câu chuyện cổ tích, nhưng khi hòa mình vào cuộc kiếm tìm bất tận ấy, khi dong duỗi tâm trí trong thế giới của tưởng tượng của thời nhỏ, biết đâu rằng chúng ta lại tìm được một cái-gì-đó thực sự tốt đẹp. Như cảm giác là một đứa bé, hay vì sao ta cóc cần có siu nhưn. Tôi tin đó là sự thật.










*viết ủng hộ cái này.