Thứ Tư, 30 tháng 6, 2010

Là một

Các em có biết không, tất cả các em là một! Bất kể các em làm gì, các em đều là một trên thế giới này.

Sosaku Kobayashi



Có tiếng trẻ khóc ré buổi đêm. Tiếng vang xa, to và rõ, và rồi cũng nhỏ dần cùng với chiều tăng của dấm dứt trong lòng những đôi tai ngủ muộn. Hoặc không thể ngủ tiếp được. Lạ lùng! Thật chẳng bù cho lúc sáng trời yên ã. Ngày cứ thế, vắt dài trôi.

Nói vậy không có nghĩa là buổi sáng hẻm nhỏ vắng tanh, không người. Ngược lại là khác. Hẻm nhỏ ban ngày là thế giới của những âm thanh giàu màu sắc nhất xứ trần đời. Cứ thử nhắm mắt lại và ngừng nói chuyện, sẽ thấy ngay biết bao nhiêu là điều.

Buổi sớm chắc chắn sẽ nghe tiếng chim, tíu tít tĩu tịt luôn cả mồm. Chim hót chưa kịp mệt miệng thì đã nghe những phím đàn vang nhẹ - đều đặn và cà khửng: giống như chập chững trẻ con những bước đầu tiên, bước vào một thế giới khác. Rất khác.


Nếu cứ xét theo tuần tự thế thì sẽ đến lúc nghe tiếng xe. Đầu tiên là của bác già về thăm nhà. Rồi là cô xe ga nhà cạnh bên. Kế đến là tiếng xe ghé vào nhà cô hoa tươi (Chẳng biết làm gì, cứ đều đặn mần thế). Mặc dù nhà cô hoa tươi là một vườn bông thu nhỏ, lúc nào cũng đủ vàng xanh đỏ những màu tươi rói, nhưng sáng nào cô cũng vào chợ với bó hoa tươi đem về. Bởi vậy mới gọi là cô hoa tươi chứ!


Còn nhắm mắt hông ?

Nếu mắt nhắm đủ chặt và kiên nhẫn đủ sâu, sẽ có thể nghe thấy tiếng nhịp đồng hồ quay đều, sẽ nghe thấy râm ri tiếng người chuyện trò, gọi nhau thật rõ, tiếng trẻ con ú ớ, tiếng bước đi lẹp kẹp, tiếng đột xuất những cuộc viếng thăm bất chợt vào tận cùng góc kẹt. Và ty tỷ tỳ ty thứ loại tiếng khác nhiều ơi là nhiều nữa (nhiều đến nỗi mà có mà kể ra thì hụt cả ăn Tết).

Xóm nghèo lao động luôn ộn ã những âm thanh mà ít ai thích thú ngắm nhìn. Và nếu nằm kề một con hẻm công chức thì thật đúng điệu trái khuấy. Trái khuấy thiệt nhứt là dường như cả ngọn nắng trưa đứng thẳng, cũng như nín một hơi thở, khi Kính cận dừng xe, chân còn trên bàn đạp, mặt hớn hở gọi to:

- Mẹ ơi, con về !

Gió trời nín khe. Không khí căng cứng như tôm ươm mình trên lửa đỏ; ngộp nắng to. Thế mà lấm chấm những vệt ướt mồ hôi trên lưng áo Kính cận dường như cũng mang một gương mặt cười.


Hiển nhiên lúc này cửa sổ mở to và cô bé cũng đang nín thở ngắm nhìn. Thiệt là trái khuấy nhứt xứ trần đời mà!

Thứ Ba, 29 tháng 6, 2010

cúp điện



em biết không, em thật là cô bé ngoan

Sosaku Kobayashi





Những ngày cúp điện ban đêm thực sự là những ngày hội.


Trẻ con tha hồ chạy nhảy, và người lớn có khối thời gian ngồi đung đưa quạt giấy trên những câu chuyện trò; trong khoảng sân nhỏ giữa hai dãy bờ tường đủ màu ấy, thực sự có một lễ hội đang diễn ra. Nhất là vào dịp trăng tròn. Nhất là hôm nay. Trung thu.

Hiếm hoi mới có dịp cô bé lại ngồi bên cửa sổ vào buổi đêm; lại một đêm trăng tròn. Càng lạ lùng hơn khi bữa đêm đúng nghĩa là đêm. Ánh đèn điện sáng trưng được thay thế bằng ánh sáng tù mù của những cây đèn cầy. Những cái khung hình biết nói được thay bằng những gương mặt nửa sáng nửa tối trong chập chùng uốn éo ánh vàng. Và những cuốn tập mở được thay bằng hai cái đầu cùng châu lại bên ánh lập lòe, Nhíp mắt và tròn xoe, cười tươi !

Không khí lễ hội thực sự có màu vàng, yên bình.


Chốc chốc lại có cơn gió nhẹ thổi qua. Nhẹ thôi, nhưng cũng đủ làm dấy lên vẻ khoan khoái và ngưng nhịp đều của những chiếc quạt phe phẩy, cũng đủ khuấy lên hoảng hốt và mang vội vã cho những chúm tay khúm núm khum người cố che gió – giữ lửa. Chốc sợ sệt lại chuyển nhanh sang mừng rỡ, rồi phì cười ngay mà.

Cô bé hai tay chống cằm, nhìn thích thú không bỏ sót một gì đang diễn ra chếch trên cao cửa sổ mình. Trăng tròn dịu sáng và trong mắt cô bé chập chùng sáng ánh đèn cầy. Một một cái gì đó rất quen thuộc mơ hồ hiện ra. Giống như cái cảm giác thường bất chợt ghé thăm rồi bất chợt đi ngay trong lúc cô bé mãi chơi. Cái cảm giác êm ã như bông xốp và mượt mà như tắm trên một dòng sông. Cảm giác khi mà diễn giải ra mặt chứ nghĩa gọi tên là: hạnh phúc.

Hạnh phúc là những gì thấy rất thực. Thực như hai gương mặt bé con sáng ngời bên trên cao cao.


À mà đừng có ai dại dột hỏi tại sao Kính cận và Mặt tròn không xuống sân chơi nhá! Ai mà hỏi là đồ ngốc. Kính cận và Mặt tròn còn phải trông nhà, làm sao xuống chơi được. Đúng là ngốc như con cóc. Còn ai mà có hỏi Mẹ ở đâu thì rõ là đồ đại ngốc ! Mẹ bị giấu đi mất rồi còn đâu. Thế cũng hỏi!














Thứ Hai, 28 tháng 6, 2010

bình thường



"Đồ rằng em không biết, tôi kể chuyện ngày xưa.
Đồ rằng anh quên mất, tôi nhắc chuyện xưa này ..."

Thanh Tùng




Một buổi sáng bình thường là một buổi sáng không có gì bất thường. Ít nhất mọi sự vẫn bình thường khi mẹ vẫn là người ra khỏi nhà trước nhất, sau đó đến Kính cận đẩy xe đi học. Mặt tròn tận hồi lâu sau mới thấy cái mặt tròn. Cửa kéo ken két. Ken két, ken két và cửa kính vẫn mở toang. Như thế gọi là không có gì bất thường.


Mặt tròn học buổi chiều. Chẳng biết vì lý do gì, Mặt tròn và Kính cận lại học khác buổi, dù cùng tuổi, cùng cấp lớp và cùng cả Mẹ. Cũng chẳng biết vì lý do gì Mặt tròn lại ở cùng nhà với Kính cận và Mẹ, chỉ nhớ rằng, buổi chiều nọ, khi mẹ đi làm về và Kính cận cũng vừa dựng xe sát tường, đã thấy Mặt tròn đứng bên cửa kính mở rộng toang mỉm cười. Nụ cười tròn xoe.


Mặt tròn là con gái. Đương nhiên. Chẳng đứa con trai nào lại suốt ngày bận mỗi chiếc váy carô kẻ đỏ và kẹp tóc tém hai bên như thế. Cũng có con trai mặc váy, hay kẹp tóc, nhưng vừa mặc váy đỏ kẻ carô vừa kẹp tóc như thế thì chắc chắn chỉ có Mặt tròn. Và Mặt tròn đương nhiên chẳng dại gì làm con trai. Làm con gái thích hơn. Cô bé chắc chắn thế. Thỏa mãn với kết luận mang tính hiển nhiên đúng của mình, cô bé trở lại làm công việc mình đang dở : ngắm nhìn khoảnh trời qua khung cửa sổ gỗ màu xanh. Như thế gọi là không có gì bất thường. Bất thường là một trong những chậu xanh xanh thường ngày treo mắc lưới, bỗng xuất hiện một nụ hoa hình sao màu trắng: hoa điển vi. Chẳng biết hoa điển vi có thật đẹp như đóa hoa bốn cánh hình sao của cô bé không, nhưng mặc kệ, cô bé cứ gọi nó là điển vi. Như thế cũng chẳng có gì là bất thường cả.


Những đượm mây ục ịch lăn ngang trời, đôi ba đọt gió lung lay đóa điển vi trắng sao,
khung cửa sổ mở rộng, cô bé ngẩn ngơ …

Và như thế, ngày nhăn nheo trôi vèo nheo mắt.






Thế gọi là không có gì bất thường cả!

Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2010

bóng bay!


"Nếu có một lý do cho việc sinh con thì đó chẳng thể nào khác ngoài thôi thúc của ước muốn cháy bỏng rằng cuộc đời này quá tươi đẹp và nó cần có một cơ hội để được tái hiện"


...




Nhà là căn hộ chung cư kiểu cũ, ở tầng trên, có lối đi chung, thang bộ chung và một hóp xép làm chỗ giữ xe chung. Nhà nằm trong kẹt, kẹt của hẻm cùng gần chợ và kẹt của hành lang chung, kẹt của phần cuối lối đi chung ấy được ngăn ngang bởi ô cửa kéo ken két: Cứ hình dung các ô cửa ngăn giữa các ô chuồng chim thú kiểng, ngăn trước dòng dòng người tò mò ngang qua trầm trồ trí trố; ngăn giữa một phần thế giới hoang dã chẳng còn được mấy phần và một phần thế giới chẳng có hoang dã lấy được một phần; ô cửa kéo ken két đúng là cũng ngăn thế giới ra làm hai phần: phần đi lại tự do và phần tự do đi lại; phần thoáng mặt chạy ngang dãy bê tông xám xù xì, tay vịn xanh lơ và cái khoảng tí tẻo sân măt trước nhà được mang mặt nạ lưới mắt cáo kín mít. Kín mít. Chẳng có tí cơ hội nào cho bất cứ kẻ nào manh nha lẻn vào. Chẳng có tí ti nào. Chắc chắn thế. Con người to thế cơ mà!


Nhà đơn giản là nhà. Có một cửa sổ bản to nhìn ra trước. Bên cạnh là cửa ra vào, cửa kính, hiếm khi đóng kín. Giống như đôi cánh cửa sổ bản to hiếm khi khép lại, nhà lúc nào cửa cũng mở toang. Cửa nào cũng mở toang, trừ ô cửa kéo ken két. Có vẻ nhiệm vụ khép lại là nhiệm vụ riêng biệt của ô cửa ken két đó rồi. An tâm là thế, an tâm mà mở cửa rộng toang. Và nhà đơn giản là nhà.


Nhà còn có nhiều thứ nữa, như là: mấy chậu cây cảnh xanh mướp lá nhưng chẳng thấy bông nào, dây thép giăng ngang mỗi dịp cuối tuần lại lủng lẳng quần áo, xe đạp dựng sát tường, đèn sáng hắt, bóng người, kính cận, mặt tròn … Còn nhiều nhiều nữa nhưng cô bé không rảnh kể . Cô bé đang bận ngắm nhìn khung cửa sổ của mình; khung cửa sổ với khoảnh trời xanh trong vắt, lúc nắng, lúc râm, lúc mây mù, lúc mưa rộp. Cô bé mân mê khoảng trời riêng mình. À hôm nay có thêm bóng bay. Bóng bay!


Bóng đâu à ?

Ngước lên trời !












Thứ Năm, 24 tháng 6, 2010

Tạm biệt




Cơn mưa sớm làm chiều thêm nhanh tắt nắng. Bữa chưa sáng, mù đã giăng mờ mờ. Những ngọn đèn vàng đứng im ỉm trong vùng trời tối đen, màu bạc. Khúc sân vắng người, tiếng nhạc vang lên rõ rành, lọt thỏm trong im vắng. Gió sông sau mưa, vì thế càng thêm phần lạnh.


Thành phố vào mùa, giấc trở mình trong tiếng mưa đêm. Những buổi muộn đường về có thêm một bầu bạn, lúc rầm rì, lúc hối hả, lúc ào ạt, lúc dấm da dấm dẳng như ông cụ tuổi già đau thận gặp bữa nóng người lỡ uống nước nhiều. Trời mưa, người càng ít lý do ra đường mở cửa. Hai ngọn đèn chung cũng ngưng sáng. Hẻm vắng người, vắng thêm ánh đèn, vắng càng thêm vắng.


Sáng chủ nhật bình yên hơn lá. Không nấu cơm, không đồ ăn, không dọn dẹp, không cả mở cửa, ung dung với thong thả nằm bên nhau trên chiếc mền xanh làm tấm trải, giấc ngủ cố không rời mắt. May mắn là không rời được khá lâu.


Hoa sữa đã lại vào mùa trắng muốt cành. Mùi (lả lơi) thoang thoảng đến cháy nồng. Nhất là những buổi mưa đêm, lạnh buốt hoa sữa làm run rẩy (mụ mị) đầu óc - ngạt thở. Một năm thế là lại quay tròn, người bớt thêm tuổi sống và kỷ niệm thêm tuổi nhớ. Và tháng ngày lại sụt sịt vào đông.


Người chào tuổi già bằng những cái nheo mắt chau mày : cố ngoái lại quá khứ phía sau hay chăm chú vào những tuổi còn xanh phía trước. Con cái trở thành mối truân chuyên lớn hơn bao giờ hết. Cuộc sống bôn ba mấy cũng quay lại giá trị nền tảng ban đầu : gia đình. Và người nổi loạn mấy cũng đến lúc thèm muốn hai chữ ấm êm, nếu còn muốn ở lại với đời.

Rốt cuộc, khi tỉnh dậy mình thấy buồn cười vì trong mơ mình cố gắng chiến đấu và sống còn nhưng lại chẳng biết chiến đấu và sống còn vì cái gì - khi mọi người xung quanh đã chết hết. - STB


Đúng là cuộc đời khó sống, khi cuộc sống, trong mắt, chẳng còn tí mùi đời. Khó sống thật.


12.10.08













*tới giờ thì chả thể nhớ tạm biệt cái rì.

Thứ Tư, 23 tháng 6, 2010

lại một trường hợp đạo văn hay là đem hong khô tuổi trẻ của một nhà (có làm) thơ.



đây nó đây:

đâu cánh chim nào vụt bóng về qua
trên gác mái những căn phòng tầng thượng
bên ban-công những hàng cột màu xám
lũ trẻ nhìn theo những bong bóng xà phòng.



- vì sao gọi là đạo văn? vì na ná giống tứ thơ sau của Vũ:

Trên mái nhà, cao vút rừng cây
Trên rừng cây, những đám mây xô giạt
Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng
Thơ tôi là mây trắng của đời tôi.

ngoài ra, trong một bài thơ khác, cũng Vũ đã có nói về những đứa trẻ thổi bong bóng xà phòng trên lan can của một căn nhà cũ; mà hình như gác mái với phòng tầng thượng cũng Vũ đã có viết(?).


- vì sao lại có chim? vì những con chim cúc-koo, chính xác là cái tổ: over the cuckoo's nest; chẳng biết vì sao tôi cứ để đầu mình trên đó?


- vì sao có đem nhà thơ hong khô tuổi trẻ? vì chính xác cái giọng điệu nhẹ nhàng như ru ấy, là lượm từ cái tứ này:

Rồi một chiều không thấy mây bay
Cô bé xanh làm rơi kẹp tóc
Từ một nơi những vì sao không mọc
Đàn kiến bò qua phần còn lại của ngày.


- tạm thời chỉ bi nhiêu vì chưa nhớ ra thêm những gì nữa; rõ ràng, hàng thật vẫn nhất!















Thứ Ba, 22 tháng 6, 2010

Cháy ngập lòng ngày trẻ của ta ơi ...

...

những yêu thương hẹn hò chưa kịp mở
như phong thư bao năm đượm nắng mới
cháy ngập lòng ngày trẻ của ta ơi!


Đây thành phố trong sương ngập nắng
của thời trẻ - tuổi ngập lòng những yêu
mùi gió quyện cùng ngập hương se sẽ
và ấm lòng những bất tận thanh âm


Nghe trong tiếng mưa rơi ấm đất
cỏ cây oằn mình, đất vỡ mầm yêu
những mầm sống vươn lên tăm tối
tăm tối xưa nay phủ vầy chồi xanh


biếc xanh màu của một thời tuổi ấy
đầy hừng hực trong trẻo theo nhịp căng
của sức sống căng phồng nơi lồng ngực
của nhiệt huyết bùng lên trong mắt sáng
của "đêm tối tim ta làm ngọn lửa"
cháy ngập lòng ngày trẻ của tôi ơi ...


Đồng Nai, 17/07/07











Thứ Hai, 21 tháng 6, 2010

Những ngày này



một: chỉ chờ một cơn mưa là rúc mình vào chăn; cuộn tròn, cuộn tròn, cuộn tròn.

hai: tôi nghĩ về những ngày trong mưa, tôi nghĩ về cơn mưa, tôi nghĩ về hôm nay; tôi nghĩ về cái vẻ nha nhút ướt át trong một ngày mưa như hôm nay, cái không khí sít rịt của hơi lạnh và nỗi buồn mơ hồ như đang chực chờ nuốt lấy thành phố. tôi cứ nhìn chằm chằm vào chúng, nhìn vào chúng: tôi nghĩ; tôi nghĩ là tôi nhớ; tôi nghĩ và tôi nhớ; tôi nhớ: cũng những ngày cái không khí sít rịt của hơi lạnh chằm chằm ôm lấy mình. Và có vẻ, những hoài niệm trở nên liền mạch hơn, những câu chuyện trở nên rõ ràng hơn, do tôi nghĩ.

ba: tới một lúc, tôi không còn biết đó là chỉ nhớ thôi hay là câu chuyện ký ức liên tục được tái phục dựng, bằng thứ logic già nua trong nỗi hoài nhớ cũ kỹ; hay là bao nhiêu phần.

bốn: tôi còn không biết chúng thực từng có, hay chỉ là tưởng tượng.

năm: Những buổi tối, ông có thể ngồi im lặng trên chiếc sopha nơi phòng khách, hay lặng lẽ đứng ngoài vườn; hàng giờ liền, trong bóng tối, không làm gì. Ông ở đó, lọt thỏm trong mênh mông im lặng của bóng đêm, với luồng sáng nhỏ chiếu qua khe hẹp của căn phòng sáng đèn. Không làm gì cả. Không cần gì cả. Cô, ở đó.

từ Suối Nguồn.




sáu: tình yêu vốn đẹp, và chỉ cần đẹp thôi, phải không?















.

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2010

lại mưa









For all the life we've had
And we'll remember when




















.

Thứ Tư, 16 tháng 6, 2010

Istanbul



Chôn mình trong nỗi điêu tàn xám tro của thành phố im lìm.

Tôi không biết cái gì là tốt hơn, giữa chừng quay lại vẫn thấy một cảnh tượng y hệt ban đầu, mừng vội với niềm hạnh phúc rỡ ràng hội ngộ người bạn cố tri, không chút đổi khác, hệt ban đầu, ngày đầu của cuộc du hành xa rời chốn cũ; hay dấu tích chất chồng, mọi khung hình xa lạ biến đổi cả cuộc trở về mong ước thành một chuyến phiêu lưu viễn tượng, trên nền của một cái gì vốn lẽ phải quá quen thuộc: những trông thấy trước mặt mãi dập dềnh mãi trong mắt, thành phố của tôi đâu? Lại tiếp tục những cuộc du hành không có đích đến, và cũng không bao giờ đến đích, tận hưởng tự do thênh thang trong bao bọc nỗi cô đơn, của lữ khách, như một kẻ du lịch, ngang qua một chốn lạ, trong lòng thành phố, của mình?

Tôi muốn làm con chó; con chó là con chó: chờ được xoa đầu là lại sủa, gâu gâu; dù đến bất cứ đâu cũng đều có thể trở về, mà hít hà niềm hạnh phúc vô vàn quen thuộc luôn ngạt ngào ở cái chốn bất kỳ con chó nào cũng có một, gọi là nhà. Những con chó không bao giờ đi lạc. Cả những con mèo. Chúng chỉ lẳng lặng ra đi, rồi chết không về lại.

Hạnh phúc của người mẹ là nhìn thấy đứa con trở về. Hạnh phúc của tuổi trẻ là những cuộc ra đi. Hạnh phúc của con người là miếng mồi ngon béo bở, của ảo tượng về sự tất định, về một công cuộc ấm êm mà ít nghi ngại, về một phút giây nào con người trở nên bất tử trong bản thể chính mình, nơi không thể có chỗ cho sự nghi ngờ, không cả có chỗ cho sợ hãi, hoặc giả bất cứ điều gì khác, ngoài khoảng lặng của niềm thiêng liêng vút cao; vì hạnh phúc mà cúi đầu.

Tôi chỉ muốn được ra đi, rồi chết nơi chân trời lạ, không gì mang theo hay bỏ lại: Chết, rồi hết.

Như cuộc dấn thân ráo riết vào miền đất viễn tưởng của tự do: tự do tuyệt đối - cô đơn tuyệt đối.



Còn hạnh phúc: tôi cần gì thêm nữa với nỗi điêu tàn xám tro của một thành phố im lìm.














Thứ Ba, 15 tháng 6, 2010

Playlist cho một đêm có mưa



- sữa đá:

1. You don't bring me flowers - Selena Jones
2. Humble me - Norah Jones
3. The Closest thing to crazy - Katie Melua
4. River flows in you - Yiruma
5. Moon river - Emi Fujita
6. Remember when - Alan Jackson
7. It will be me - Melissa Entheridge
8. I will always love you - Dolly Parton



- đen đá, không đường:


. wasted ThisIlove windmillofyourmind HighHopes Dyinginthesun SomewhereIbelong Tuvasmedutruire Itwillbeme About today .














.

gạch đầu dòng WC - 03



một: da cam lộ hết bài; còn Robben, cực kỳ đáng sợ với chiếc khèo trái, lẫn khèo phải, không biết khèo nào, rồi tèo trước.

hai: các chiến binh samurai vẫn cứ mãi là các chiến binh samurai, chả có gì mới.

ba: các bạn châu phi kỳ này vẫn chạy khỏe, sút bự, nhảy nhót lào cào, và được thêm mỗi cái nữa là chẳng biết đá bóng. thế mới chán!

bốn: Tất cả những gì bạn cần, Đan Mạch, là một đội tuyển với một giấc mơ!

năm: haizz!!!













Thứ Hai, 14 tháng 6, 2010

yên










cậu nào muốn yên nào?















.


Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2010

Gạch đầu dòng WC - 02



một: nhờ sự dũng cảm ngây ngô của ông, chúng ta đã có cơ hội chứng kiến một Bayern ông kẹ trong vòng chung kết World Cup mùa này.

hai: các củ sâm vẫn ngậm sâm đều, chạy khỏe, nhảy to và thở đều ba phổi, hoặc nghỉ thở luôn.

ba: giàtrọc nhảy tango, giá trị của Milito và ai bẻ sườn Jonas

bốn: các hiệp sĩ trắng không kiếm hay kiếm bỏ quên đâu mất rồi.

năm: Và cuối cùng nhân vật của giải đấu: trái bóng mày nảy đi đâu?












Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2010

Hà Nội là Hà Nội - Nguyễn Trương Quý.




Phượt




Trên một diễn đàn của trí thức trẻ, các bạn tranh luận: Có nên lấy vợ mê đi du lịch? Du lịch ở đây không phải là loại du lịch đôi ta dắt nhau hưởng tuần trăng mật hay là cho cả nhà hưởng lây, mà đây là loại du lịch balô, dừng đâu là nhà, ngã đâu là giường. Đấy là loại đi chơi không bận tâm mấy đến mùa lễ hay kỳ nghỉ thông thường. Thường những chị em còn son rỗi, làm ở các văn phòng không quá nặng nề về thời gian, hay dồn ngày phép vào một vài dịp, đi được ôtô đường dài mà không say xe, ăn bở ngủ bụi không sợ xấu nhan sắc. Không chỉ những cô gái, mà cả những cậu rai mà ham đi vi vu như thế, dấy lên làn sóng mới lạ, đến giờ đã hơi hơi thời thượng, và được gọi là phượt. Họ quan niệm, “phượt” là để refresh (làm mới lại) bản thân. Thế là một từ lạ tai sinh ra để chỉ cả một mốt sống của thanh niên Hà Nội bây giờ: mua máy ảnh xịn và đi phượt. Phải chăng bí bức với phố phường chật hẹp, bây giờ khắp nẻo đường thấy nam thanh nữ tú Hà Nội lũ lượt trèo đèo lội suối vãn cảnh và làm chật cứng các diễn đàn ảnh.

Khía cạnh đức hạnh của việc phụ nữ trẻ ưa đi “phượt” mà chẳng chịu lấy chồng (ngay) xin không bàn, bởi các anh đàn ông nhiều khi lại yêu các nàng vì cái vẻ phong sương da nâu màu suy nghĩ. Đã qua cái thời phụ nữ chỉ cắm mặt trong bếp, và cũng qua cái thời xê dịch nghĩa là những chuyến du lịch theo tour nhàm chán, những kỳ nghỉ trọn gói kiểu công đoàn all-in-one (tất cả trong một), thực đơn vừa cho tất cả mọi người. Phượt là cách phản ứng lại công thức đó. Dân phượt mà đi với nhau thành nhóm thì tiêu chí hàng đầu là đồng thuận, cùng ham mê sục sạo và khám phá như nhau, cùng điên rồ, dở hơi như nhau, kẻ nào nản chí tự biết rút lui, vì thế tính dã chiến và độ cuồng vì cảnh đẹp phải cực cao. Có vậy thì họ mới dứt mình ra khỏi chăn ấm đệm êm để cả đoàn đa phần trai chưa vợ gái chưa chồng leo lên bằng được những đỉnh Fansipan hay chờ tuyết rơi ở Mẫu Sơn để phục chụp ảnh. Không chụp được cảnh như ý vì thiếu nắng hay mưa to là tiếc nuối, là “cú” cả đời, trừ khi quay lại được. Mải mê chinh phục các điểm đến theo cách thật riêng tư, làm dầy lên bảng tổng sắp, là căn bệnh thời đại mới chẳng phải của riêng thanh niên Hà Nội, mà là của cả thế giới. Ta vẫn chẳng thấy trên những cung đường núi non hiểm trở xa xôi, thình lình xuất hiện một vài vị khách Tây balô trẻ tuổi hoặc phóng bạt tử trên những chiếc xe máy bình bịch Minsk, hoặc đi bộ hàng cây số với balô ngất nghểu trên lưng.

Vì có hơi hướm tự do cá nhân chủ nghĩa, nên phượt có vẻ Tây, mà Tây thì vẫn hay được xem là sành điệu. Cho nên phượt lại có vẻ cấp tiến, không bị mang tiếng theo gót thực dân thời quá vãng, mà thành ra một cách sống văn hóa mang màu sắc “tứ hải giai huynh đệ”. Trong khi ngành du lịch nước nhà loay hoay với các khẩu hiệu và chương trình quảng bá rầm rộ chưa mấy tác dụng thì phong trào phượt đã dấy lên cảm hứng khám phá đất nước với thái độ nhiệt tình và hăm hở chỉ kém độ máu mê của dân tìm vàng! Xét ở nghĩa tinh thần, thì những thứ dân phượt tìm kiếm cũng là một loại vàng, những nguồn năng lượng tinh thần tạo ra từ việc nhìn thấy một địa điểm đẹp, một cuộc sống khác lạ, làm cho cái nhìn của họ về cuộc sống này tích cực hơn, đáng sống hơn.


Ở đời, cái gì rộ lên ầm ầm mà lại gắn với giới trẻ thì dễ bị dán nhãn đua đòi, sớm nở tối tàn. Nhưng hình như phượt khác với những loại mốt thời trang hay trào lưu giải trí. Bởi vì muốn phượt được thì không khó, lại cũng dễ tiếp nhận các tín đồ mới, những người thi thoảng tạt qua gia nhập nhóm phượt này, lần sau lại sang nhóm khác, cũng như “tôn vinh” những chuyên gia phượt có thâm niên. Cộng đồng phượt cởi mở và không mấy khi rạch ròi đẳng cấp, kiểu tao đi nhiều hơn nó một cung đường hay biết nhiều hơn một cái chùa. Họ sẵn lòng chia sẻ thông tin và thậm chí còn chỉ dẫn tận tình cho kẻ chân ướt chân ráo học đòi phượt.

Ở Hà Nội, dường như tuần nào cũng có nhóm phượt lên đường đi đâu đó. Thường thì đây cũng là cộng đồng chia sẻ và kết nối với nhau qua mạng. Thông tin lấy từ mạng, kết quả (ảnh, bài) cũng trình bày trên mạng, tạo thành một cơ sở dữ liệu khổng lồ và chi tiết, chắc hẳn làm cho bất cứ cơ quan hay đơn vị du lịch nào cũng phải ghen tị. Những box du lịch của các trang web, diễn đàn như Trái Tim Việt Nam, Phuot.com... bao giờ cũng nóng rực thông tin, và thanh niên vào mạng rầm rập để tìm kiếm chân trời phượt mới. Lúc nào cũng có một kế hoạch đi chơi đang được đưa ra. Nhảy vào đó mà đọc xem, thế nào cũng có những nhân vật kỳ lạ, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, mang những cái tên đầy “bụi” như Chitto, Ohmely, hay Tabalo. Những nhân vật này hành tung bí ẩn, dường như lúc nào cũng thấy như vừa đi đâu về, với ăm ắp kho chuyện mới lạ, và dĩ nhiên có vô số “phượt gái” ngưỡng mộ ra ra vào vào bấm F5 liên tục để hóng tin chàng.

Cái sức mạnh đáng giá của cộng đồng này là khả năng bao sân của họ. Bởi vì họ đến từ nhiều nơi, làm nhiều nghề khác nhau, nên thông tin tập hợp lại chắc chỉ kém Bách khoa thư, nhưng ở đây cái gì cũng sống, cũng nóng hổi, và đương nhiên, phải hữu ích. Còn điều gây ngạc nhiên nhất là họ như ma xó, hang hốc ngóc ngách nào cũng tìm được lối vào. Có những điều mà các nhà làm từ điển hay các học giả phải mất công truy tầm thì họ rành rẽ đến kinh hoàng, và mau lẹ update (cập nhật). Nói theo thuật ngữ kinh tế học mới, họ là một “cái đuôi dài” của thông tin du lịch, là một đường đồ thị thể hiện sự tồn tại kéo dài mãi gần như song song với trục hoành, dễ điều chỉnh và linh hoạt. Đảm bảo các cán bộ quản lý du lịch cả đời cũng không đi hết được những điểm đèo heo hút gió, mà có những nơi chốn chỉ đơn giản là một thung lũng lúa Tây Bắc vàng rực mùa gặt, một bãi sông đầy hoa cải, mà có khi là những cảm xúc trực quan - loại phải tận mắt nhìn mới thấy. Tất cả những cái đó chắc gì đã được xếp hạng hoặc đủ điều kiện đưa vào các sách du lịch hay tour này nọ. Dường như diễn ra quy luật: cái gì được “kết nạp” vào chương trình du lịch chính thống thì dân phượt dần ít đến. Phượt là một dạng du lịch underground (ngoài luồng), tìm kiếm những gì tinh tế, nguyên thủy và xác tín. Một khi làng Đường Lâm thành làng du lịch bán vé hạng quốc gia hay núi Fansipan có cáp treo thì có lẽ dân phượt đã loại chúng khỏi danh sách điểm phải “đến trước khi chết” lâu rồi. Có chăng thì chỉ là những dân phượt hậu sinh, cũng tập tành vác máy ảnh ống rời đi chụp làm dáng mà rồi sớm muộn họ cũng ngộ ra cái nơi dành cho họ là ở chỗ khác.

Dân phượt mặc dù cũng có nhiều người kinh tế khá (có khá thì mới tối ngày đi chơi) nhưng phượt lại chẳng phải là trò tốn kém. Trừ việc mua máy ảnh xịn (vốn không nhất thiết) thì chi phí của những chuyến đi luôn là mức căn bản. Giờ đây, những chuyến phượt các thắng cảnh Trung Quốc trong 10 ngày hay các nước Đông Nam Á, chỉ tốn chừng dăm bảy triệu. Một cái giá kinh ngạc cho bất cứ ai, thử đi du lịch trong nước bằng cái giá đó xem có đi được không? Nói là ăn bờ ngủ bụi nhưng đến đâu cũng phải có chỗ ngả lưng hay mâm cơm, mà thường thì đi xa mới thấy chỉ ở Hà Nội chen chúc ngột ngạt mới khó sẵn lòng cho khách vào nhà. Ở những nơi xa xôi hẻo lánh, những người lính biên phòng hay dân bản là những địa chỉ chẳng đỏ thì cũng rất thân thiện.

Phượt là phải dễ dàng, hô một cái là offline, là thống nhất kế hoạch nhanh chóng và nhanh chóng khởi hành. Có bao giờ thấy buổi offline ở khách sạn năm sao đâu? Thường thì họ ngồi lê lết ở những quán vỉa hè, những phố Nguyễn Du, hồ Thiền Quang hay bậc thềm Nhà hát Lớn, vỉa hè phố Tràng Tiền cạnh sàn chứng khoán. Thêm vào đấy là thành phần đội hình nhiều tâm hồn cô đơn, đây cũng là cơ hội móc nối giao lưu, thỉnh thoảng tiến lên ăn uống hoặc liên hoan. Có cặp với nhau, lấy nhau, thì vẫn không bỏ phượt. U40, hai con như chị gái tôi cũng vẫn đi Lào cưỡi voi được. Những buổi offline là những phút dân văn phòng bàn giấy Hà Nội hít thở không khí biển khơi hay gió đèo ngay từ chén trà hoặc ly cà phê Phố. Có gì mê say, náo nức, trong cái cách í ới gọi nhau trên mạng. Mặc dù đã lâu không gặp lại, nhưng hộp thư và tin nhắn vẫn liên tục nhận được những tin nhắn như “Offline Lệ Giang 11, 6 giờ chiều ở Chim Sáo”. Và cái mục tiêu vẫn là: Lên kế hoạch đi đâu dịp 30/4. Cô Tô nhé?







*(trích) Hà Nội là Hà Nội, là nhan đề của một trong bộ ba cuốn sách về Hà Nội của Nguyễn Trương Quý - bao gồm: tiểu luận Tự nhiên như người Hà Nội và tản văn Ăn phở rất khó thấy ngon. Sách hiện đã có bán, tại Việt Nam, với giá bìa 50.000đ.


**Đọc thêm: Quê













Thứ Tư, 9 tháng 6, 2010

Viết tiếp một tình huống đã cũ



[h.p.t]: All I ask you is to believe

***


có niềm vui nhỏ giấu nghiêng mặt khóc
có tiếng cười run rưng rức những làn tàu.

ngày hạ cuối còn chưa xa nỗi nhớ
mắt người yêu một nỗi nào đâu hay
cơn gió cuốn một chiều không người khóc
xa bến tàu mây trắng lững lờ bay.

rồi cô gái có trở về đường cũ
phố vẫn đông bỗng chốc hóa thênh thang
đại lộ dốc, những ngả đường trơn tuột
mây ngang đầu hững hờ ngắm chiều trôi.

gió vẫn hát những bản tình đã cũ
bên nhau không cùng, kẻ ở-người đi
dưới cánh bay tới tận nơi nào tít tắp
cách mấy giờ bay, cùng chung nỗi niềm:


dưới một tầng trời
cùng mưa cùng nắng
dưới một tầng trời
cùng nhớ cùng mong?

***

có niềm vui nhỏ giấu nghiêng mặt khóc
có tiếng cười run rưng rức những làn tàu!










*bài cuối đấy và em tịt đây.


Thứ Ba, 8 tháng 6, 2010

Kẻ mặt lạ đến từ phương xa




Tất cả mọi đứa trẻ, trừ một, đều xứng đáng có một mái nhà. Đứa trẻ còn lại đó, là đứa trẻ đi lạc. Vì đi lạc mà không có cho riêng mình một mái nhà, nên nó đã tạo ra cho mình một chốn gọi là nhà, Xứ sở ChưaTừng. Đứa trẻ đó là Peter Pan.

Tất cả mọi đứa trẻ, trừ một, đều lớn lên. Không thể nào khác. Không thể chối từ tuổi già cho dù bạn có muốn một trăm ngàn lần đi nữa. Điều mà Wendy có thể, cũng chính là điều mà cô bé đã, là quyền lựa chọn không lãng quên: cô từ chối sự lãng quên, từ chối không thừa nhận chính Xứ sở ChưaTừng, cùng đứa bé bay, Peter Pan: đứa bé không bao giờ lớn. Cô từ chối không vứt đi giấc mơ của mọi đứa trẻ, như mọi đứa trẻ khác.

Tất cả mọi đứa bé, không trừ bất cứ một đứa nào cả, đều xứng đáng có được phút giây thần kỳ, khi người mẹ sau cơn vượt cạn mệt lữ, với đôi tay đương run rẩy, trong ngân ngấn nghẹn ngào, thì thầm niềm hạnh phúc - duy nhất và chỉ một:


Chào con, kẻ mặt lạ đến từ phương xa! (*)














(*) của Việt.

Tóc của đêm dài, mắt của trời xanh - Vũ.

*trì độn rồi, nhai cơm nguội đây.

















.


Phố nghiêng nắng thì thầm trăng tỏ
Gió gồng mình chịu nỗi bơ vơ
Sương khuya sớm hai lần ngập ngõ
Có đâu lần thấm ướt môi lơ


..


Ngọn gió vương cành lá đong đưa
Khe khẽ trong đêm nắng chuyển nhành
Thu như xa quá đông về muộn
Há phải cơn mơ mộng ngẩn ngơ


...


Chút tình thừa đem trả người dưng
Này sóng phong ba cố dặn lòng
Khóc than rồi cũng trôi như khói
Có thời thời có có thời không.


....


quán bên đồi

quán bên đồi nằm nghiêng ngắm vạt nắng
buổi trời trong mây gió khoác màu xanh
qua vạt tóc em nhẽ nhàng cười khẽ
quán bên đồi nghiêng đầu ngắm trời xanh.












Thứ Hai, 7 tháng 6, 2010

Những kẻ ăn xương (tiếp)

*phần 2



Tôi vẫn còn đây, cố ghìm mình sâu vào lớp đệm êm, trong khi mưa mỗi lúc một nặng rơi thành tấm màn dày mờ nhạt lay lắt ngoài cửa, mẹ tôi ngồi bên phía đối diện chiếc sofa cũng thế, bà không thể ra khỏi nhà, đến buổi tập chiều, trong cơn mưa tầm tã, chẳng có nơi nào hoặc giả lý do khả dĩ cho phép bà mặc mưa gió mà đi bất cứ đâu ngoài yên vị trong ấm êm dưới mái nhà, hoặc chỉ để rời khỏi nhà, dù có muốn hay không, tôi cũng không thể, với tuổi tác bên cạnh, không thể dễ dàng rũ bỏ những mối ràng buộc như thời trẻ. Trời vẫn mưa to. Con xu nằm bệt dưới sàn lim dim mắt ngái ngủ. Những bữa mưa, cơn hứng chí với nguồn năng lượng trẻ trung bất tận của nó cũng trốn đâu mất biệt, có lẽ, tính theo tuổi người cũng vừa vặn đầu trung niên, con xu trở nên biếng hẳn so với một thời nó đã từng. Chỉ vừa mấy năm. Tôi cũng không nhận biết rõ mình đã già đi như thế nào, chỉ một sáng tỉnh dậy nhìn quanh căn phòng quen thuộc, không gì đổi khác, kể cả nước màu sầm sậm quen thuộc của lớp tường sơn vàng, những vết nước thấm hoen ố, cánh cửa mở toang ra ban-công hẹp và tấm màn màu xanh buông thỏng, cả cơn mệt mõi thường lệ khi tôi nhìn vào gương và trông thấy một tôi đã quá quen thuộc, với cả câu hỏi vang lên tích tắc sau: "Tôi của hôm qua đâu?". Đã bỏ quên buổi tập sáng, trong giấc say ngủ mệt mỏi, chẳng lẽ tôi cũng đã bỏ quên hôm qua theo cách thế sao? May mà ngủ được, kết quả của hai lượt buổi tập trong ngày, tôi ăn ngon miệng và ngủ được vào đêm, ít khi lại mất ngủ như trước, dù những giấc ngủ dù dài cũng không thể làm tan hết cơn mệt mỏi của tỉnh giấc. Ít ra tôi còn thức dậy, còn thấy những đóa quỳnh anh nở vàng buông xuống, còn thấy nắng sáng chiếu qua tấm màn phủ màu xanh lên phía cuối chân giường, còn thấy con xu thè lưỡi thở phì phò trước mặt, mỗi sáng mở cửa. Từ bận được thả khỏi chiếc vòng cổ dây xích lại nơi cầu thang, khi mỗi một cánh cửa gỗ trong nhà mở ra, là thấy con xu quẩn quanh trước mặt. Dĩ nhiên trong tình huống có tranh chấp về quyều ưu tiên, tôi luôn là kẻ chiến thắng; mẹ tôi vẫn cứ mắng con xu lì lợm cứ như người đã mang nó về. Nhưng buổi sáng là của bà, tôi không ở nhà buổi sáng, cả thằng em, cả khi con bé đang lui cui dưới bếp, mỗi khi bà ra khỏi phòng, con xu cứ quẩn quanh bên chân bà mãi, bà kể lại suốt, mắt ánh lên niềm vui nhỏ, như kể về một bầu bạn tuổi già, càng ngày càng nhiều, con chó quấn lấy bà suốt. Một niềm vui nhỏ. Bà thường hay tỉ tê kể chuyện vào những dịp như vậy khi những khung hình nhảy nhót phim truyện không đủ sức lôi cuốn để giữ mắt bà lại, khi những cuốn sách dầy cộp đè bẹp mọi kiên nhẫn mà khó khăn lắm bà mới có thể tạo nên, hoặc trước-sau bữa cơm, hoặc bữa tôi có nhà, hoặc khi bà như lúc này, bà kể đủ chuyện về ngày xưa, về mẹ của bà, về cuộc khốn khó của thời trước tôi có tồn tại, những câu chuyện quay vòng, hầu như tôi đã nhẵn mặt, nhưng bà cần người ngồi nghe, mà không hẳn cần nghe, chỉ cần ngồi đó thôi, để mặc những câu chuyện của bà quay về, và tôi vốn là người nghe giỏi.

Tôi vẫn còn đây, lọt thỏm trong chiếc ghế sofa êm ái, cố lấy chút dịu dàng của lớp đệm bông mà bao biện cho cơn dằn mình, cố dùng chút sự thoải mái của tiện nghi cỏn con đối chọi với cái lạnh buốt trong từng nhói đau khi lao người vào cơn mưa như trút mà ngăn mình lại; tôi dùng mọi lý do có thể để tiếp tục trì hoãn, tiếp tục công cuộc trì hoãn chấm dựt sự chu cấp mà mẹ tôi còn có thể tiếp tục ngõ hầu giữ rịt lấy cuộc đời của bà, kể cả viện dẫn cái tuổi già khốn khổ của mẹ tôi, những năm tháng tuổi trẻ oằn mình để bảo bọc cho tôi một cuộc sống không đến nỗi nào, để rồi giờ đây cuộc đời của bà chẳng còn gì khác ngoài những đứa con, bà sống bằng hơi thở của tình yêu mình phủ lên chúng, bằng những lo toan chẳng còn mấy hợp thời, khi mà chúng cứ ngày một lớn lên, cứ chực chờ rũ bỏ cái bóng phủ của một thứ tình cảm mà chúng còn quá trẻ để có thể thấu hiểu, mà chấp nhận, và đã quá già để tiếp tục im chịu; những đứa con lúc nào cũng bé bỏng, và không bao giờ có thể hiểu được tình yêu của mẹ chúng, dù cho chúng rồi sẽ cũng có những đứa con và rồi cũng yêu chúng theo đúng cung cách mẹ chúng đã yêu chúng; nhưng chúng không bao giờ hiểu, không bao giờ có thể; tình yêu của một bà mẹ đối với đứa con của bà không bao giờ có thể là cái cung cách bà yêu mẹ mình. Chính tôi nhiều lúc đến là không chịu nỗi bà, dù bà là mẹ tôi, và không gì có thể thay đổi được điều đó, như chính tôi cũng nhiều lúc không chịu nỗi những đứa con mình. Tôi nhiều khi tự hỏi lúc mình ở tuổi bà hiện giờ, khi những đứa con mình cũng như tôi của hiện tại, thì chúng liệu có đối đãi với tôi một chút nào tốt bằng tôi đối đãi với bà như tôi vẫn đang cố gắng bây giờ không? Liệu chúng có không chịu nỗi mẹ chúng không? Tôi thực không thể tưởng tượng được; tôi không cả hiểu nổi đứa con mình. Cái đứa vẫn đang nằm đây.


Tôi vẫn còn đây.











Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2010

Những kẻ ăn xương.

*bài viết này là đạo văn, một phần từ bài này. bản nháp, phần 1.



Có hai cách để được phụ nữ yêu: là biết làm ra tiền hoặc biết cách xài tiền, thật nhiều tiền. Hiển nhiên bạn không cần phải có khả năng kiếm được bạc triệu chỉ trong tích-tắc một ván bài hoặc sinh ra làm cậu chiêu trong một gia đình với gia sản kết sù thì mới có người yêu, nhưng để giữ tình yêu của người phụ nữ, ở lại, như lúc ban đầu, thì chỉ có hai cách thế. Còn không thì tình yêu vẫn cứ ở lại, cùng lời than thở và tiếng thở dài, dài, dài, dài, thật dài. Hoặc là bạn có thể chọn để trở thành gã trung niên, tóc với râu lẫn lộn, áo không che hết bụng phì, đang cố vùi sâu vào lớp chăn êm, như là cố níu lại giấc ngủ đang vội vã tan theo từng nhịp giật nảy người chộp lấy cùng tiếng đập cửa của mẹ. Tất nhiên cũng chẳng có ma nào bồ kết, thậm chí là để ý cũng không.

Đây chắc chắn sẽ là một khởi đầu tốt cho kịch bản dòng phim bom tấn mùa hè. Hẳn thế! Gã trung niên độc thân, phát phì, sống chung với mẹ, không việc làm gì mà thức khuya hơn cú để rồi đến sáng lại ủ ê trong đống chăn màn và mặt trời thì đang ngay bên cửa gõ. Một cái gì na ná Nhật ký Tiểu thư, kết hợp với Nhân viên của năm. Một phim bom tấn. Chắc như bắp. Nhưng đến thế thôi, chỉ là một chuyến phiêu lưu ngắn ngủi tạt ngang qua địa hạt của những nhà yêu nước chân chính, - những người luôn đi đầu trong tuyên truyền kêu gào người ta dùng hàng nhà. Tôi lại nói nhảm rồi, vì tôi đang thực thảnh thơi, với tách trà ấm nghi ngút, cùng tiếng nhạc dìu dịu, một chút mùi thơm tinh tươm của hàng quán buổi sớm chưa mấy lượt. Chính là tôi đang nằm như ngồi thư thả trên chiếc sofa trải dài đến êm ả; quán quen sớm nay cũng vắng người.

Tôi nhìn theo tia nắng xiên qua tấm màn màu đỏ, vạch một đường xéo về tận đầu kia căn phòng, sáng choang. Căn phòng buổi sớm còn giấu mình trong âm u của ngày đang cục cựa, nhờ sự siêng năng của tia nắng nhanh nhẩu, càng tối căm căm. Trong vùng nhờ nhờ của ngày chưa vỡ hẳn, tôi lại thấy mình, ở phía bên kia, từ đằng sau chiếc màn hình thắp sáng, đang cặm cụi với những lọc cọc. Hai năm trước, tôi đã có lần ngồi đây cùng hắn, chẳng nhớ nói gì, mà có khi chẳng nói. Giờ thì hắn đang hăm hở trở về, sau một năm đạp xe, ăn mì gói để dành tiền uống bia buổi cuối tuần hay sau giờ seminar, cùng với nỗi nhớ mênh mông mẹ hắn giữ ở nhà, chiều nay.

Trong khi đó tôi còn đang mãi mê với mơ màng, dưới lớp chăn mềm êm ấm. Còn cuộc hẹn với mẹ hắn sáng nay nữa, nếu tôi không dứt ngay dậy thì cũng xong luôn. Mà có không muốn cũng không được. Sau một hồi gõ cửa nhẹ nhàng, mẹ tôi đã lớn tiếng gọi. Nghĩa là, có không muốn cũng không được: lại là bữa sáng với nguồn năng lượng bất tận, lại là bữa ăn sớm sẽ cung cấp sự tập trung và minh mẩn trong suốt ngày dài, lại là đứa con bé bỏng của mẹ không sớm thì muộn cũng sẽ ốm nhom thôi, nếu mà con không ăn, những món này, ăn liền giờ. Dù với lượng mỡ này, có thể thắng dầu cho cả thành phố dùng trong cả tháng trời; bà thì vẫn cứ sợ tôi ốm. Ôi, các bà mẹ!

Các bạn không nhầm đâu. Tôi vẫn ở đây, trong căn phòng u u sáng, trên chiếc sofa êm như bông, ấm trà vẫn ấm khói mơ màng, và cô bé phục vụ đang lui cui ngay bên cạnh, trong bộ đồng phục carô kẻ sọc ngang nâu đỏ cánh gián đậm lợt xen kẽ, trước một đụm hoa cỏ các loại phía bên phải và bình bông các thứ bên phía trái; quán sớm ngổn ngang nhiều việc lý thú. Con bé quỳ hẳng xuống nền gạch hoa, bỏ cái nhìn tôi lại phía sau, tay thoăn thoắt chuyền từ phải sang trái rồi ngược lại. Giữa chừng tiếng lưỡi kéo chạm vào nhau lách-cách, khi những chiếc bình được xê ngang dịch lại, nâng lên, hạ xuống làm vang lên tiếng thủy tinh va vào nền gạch, tôi ngắm vội nửa gương mặt nghiêng trong cái nhìn mê miết công việc. Cô bé lúc này đã ngồi bệch hẳn xuống. Làn vải jupe đang trong tình trạng căng cứng ôm lấy bởi sức nặng của người mang, nay thong thả xô lệch về nhăn nhúm, phủ lấy vẻ nhàn nhả lên hai bắp chân gập. Con bé mang giày vải, màu xanh. Tôi mãi nhìn.

Ngắm nhìn những gương mặt đang ngập chìm trong việc luôn là một điều thích thú. Giống như tự giải thoát mình khỏi sức nặng của việc thở, để rồi trao cho bản thân cái quyền lực của kẻ giám sát vĩ đại: ta nơi đây, đang chứng kiến một sự dần đi tới hoàn thành. Dù phần lớn trường hợp, tôi không rõ tôi đang chờ đợi cái gì. Tôi chỉ mãi nhìn, những chuyển động thành thục, như những ngón tay thon nhảy nhón trên phím dương cầm. Không có cả chờ đợi, tôi không hề thấy biểu hiện chờ đợi trên gương mặt họ. Dường như họ không còn tồn tại, trong giây phút ấy, họ không còn tồn tại cái bản thân mình nữa. Công việc này đang trên đường tiến tới hoàn thành, cái kết cục duy nhất của nó. Mà bản thân họ thì không còn tồn tại nữa. Bất giác, tôi nhìn ngang: "Vậy thì họ cần gì?".

Phụ nữ cần gì à? Mẹ tôi đương nhiên lúc này chỉ cần được tiếp tục yêu con. Mà không chỉ mẹ tôi, tất cả các bà mẹ có con trai trên quả đất này cũng vậy. Vào cái tuổi người ta không thể nào trẻ được chỉ bằng cách nghĩ rằng mình đang còn trẻ, khi sự hiện diện của đứa con lúc nào cũng bên cạnh như một gợi nhắc thô bạo về quãng thời gian tươi trẻ đã vĩnh viễn mất của mình trong nó. Bà muốn tiếp tục yêu đứa con mình, như yêu lấy một giấc mơ không còn mới, được tiếp tục được trông thấy nó mỗi sáng, được cằn nhằn, được nấu ăn, được phục dịch như một kẻ tôi tớ lâu năm đã quen tận tụy, như người hầu già nhàn việc, bỗng nhiên nhận được thông báo đảm trách phần việc bộn bề như cũ. Mẹ hắn cũng hẹn tôi, vì thế, cuộc hẹn ở chợ hầu chuẩn bị cho buổi họp mặt trong định trước vào chiều nay, khi hắn từ xa trở về, một cuộc đoàn tụ vội vã và ngắn ngủi cho đằng đẳng nỗi nhớ phủ lên sắp tới. Rồi lại tới. Mà tôi không tài nào dứt ra khỏi cơn êm ấm này. Thực khó mà rời khỏi chăn khi tối hôm trước đã chìm sâu vào một cơn say túy lúy điên cuồng, giữa những xập xình như búa vụt đập vào đầu vào ngực, từng hồi, từng hồi, từng hồi. Tiếng nhạc vút lên, và tôi lại bị hút vào cái giếng sâu hẳm đó. Lần nào cũng vậy. Không biết bao lâu đã trôi qua. Trước khi tôi trở lại, cô bé phục vụ đã xong hẳn, những chiếc bình với hoa khắp trên các mặt bàn. Nhìn quanh, căn phòng vẫn sáng lên những mảng tối sáng chưa đủ xua đi, đóa cúc vàng như mỉm cười trước mặt. Loa đang phát một bài nhạc rất khác, rất quen.

Tiếng gọi của mẹ tôi vang lên từ dưới nhà, chắc hẳn bên bàn ăn. Tôi phải xuống ngay thôi với bà ăn bữa sáng, để còn uống thuốc, rồi tới bệnh viện. Sau đó tôi lại có thể tiếp tục cuốn mình với chăn mềm. Không phải bà đi làm.















Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2010

Gạch đầu dòng




một: rượu bia là thứ ma thuật có thể hiện hình những khát khao sâu tận bên trong như bật một cái nắp chai.

hai: hút thuốc éo có ngon.

ba: cái dai dẳng còn lại, là cảm giác như mắc nghẹn ở lưng chừng, không khạc ra được, cũng không nuốt vào được. Mà cũng không chạm vào được.

bốn: tôi nhớ cảnh cuối, khi Toru ngước lên tìm Midori trong làn váy mỏng chấp chới bay theo gió, khi cô cất tiếng gọi anh, hỏi anh: Anh đang ở đâu? khi Toru đứng ngây người, 'tôi đang ở đâu?', và chung quanh tối sầm.


Như bị lôi tuột xuống miệng giếng sâu hun hút, đáy cạn trơ khất.
Không cả không khí thở.


năm: tôi lại thèm ngửi một mùi thơm nào.






Câu chuyện chưa bao giờ cũ

*đã biên tập và kiểm duyệt bỏ.




Mình sẽ kể bạn nghe, câu chuyện chưa bao giờ cũ.

Những ngày vừa qua là những ngày khó khăn, và mình thật sự bất ổn. Quá quen với việc có mặt của cái gì đó trong một thời gian dài, sẽ làm nảy sinh cảm giác dễ chịu: sự hiện hữu đó là hiển nhiên và tất yếu. Vì thế, đối diện với mất mát, sự thật là rất khó chấp nhận. Cứ như một khoảng ký ức của mình vừa bị đánh mất vậy. Dù mình không thực sự rõ, giữa bản thân giá trị của vật mất hay những gì nó mang theo, cài nào làm đau lòng hơn.

Cần thời gian để thay đổi các thói quen, và mình sẽ ổn. Sớm thôi.

Không chỉ tới lúc này, dù thực ngờ ngợ đã lâu, mình luôn có cảm giác cuộc sống là đơn độc. Nhất là trong những hoàn cảnh chính bản thân một người phải đối mặt với nỗi đau, chỉ một mình. Người ta phải học cách mạnh mẽ, để có thể tiếp tục sống, dù là trong hoàn cảnh đơn độc nhất. Dù là lúc nào cũng có thể chọn một con đường khác, ít im lặng và nhiều chia sẽ hơn. Nhưng cho một lúc nào đó trong đời, một mình là cần thiết.

Mình cũng thấm thía được 'nỗi đau chỉ có thể xuống đến một điểm nhất định', và con người hoàn toàn có thể vượt qua nó, một mình, chỉ bằng cách đơn giản là chấp nhận nó: dũng cảm đối mặt với sự thật cần rất nhiều mạnh mẽ, không phải bên ngoài, mà từ bên trong. Bắt đầu bằng việc khóc thật nhiều, nếu có thể: đau buồn thật sự được giải tỏa là phương cách tốt nhất để bắt đầu hồi phục hoàn toàn; nước mắt là khởi phát sự sống.

"Thách thức của cuộc sống là hưởng thụ nhưng không lệ thuộc vào bất cứ gì". Giống như việc đi trên dây, người nghệ sĩ cần phải học cách giữ thăng bằng, ngay cả trong những tình huống phấn khích nhất: sự dễ chịu của thành công tới gần thật gần là miếng mồi ngon của bất cẩn; nôn nóng là mầm mống của tai ương. Hãy tỉnh táo để sống mạnh mẽ! Không lệ thuộc bất cứ gì, kể cả tình yêu. Nhất là tình yêu.


Và tình yêu là câu chuyện chưa bao giờ cũ.

[ ... ]
Và anh luôn muốn yêu em!

Là mình muốn nhiều hơn hy vọng.

Hãy coi đây không phải là tỏ tình. Và đừng thấy ở nó bất cứ sự ràng buộc và nghĩa vụ trả lời gì. Nghĩa vụ của bạn, nếu có, không gì khác, và nên là, nghĩa vụ hạnh phúc.

Đây chỉ có thể là điểm mở nút cho một hành trình tự soi rọi bản thân. Có lẽ bấy lâu mình đã quá sợ hãi, mà trốn tránh. Mình quá sợ hãi để phải đối diện với sự thật, mặc cho sự thật này ý nghĩa biết chừng nào. Nhưng điều này chỉ có ý nghĩa với bản thân mình thôi. Nỗi nhớ không thể chung và "khám phá ra bản thân có khả năng yêu thương còn tuyệt vời hơn cả giải Oscar".

Vì chúng ta đã đang đứng trước cái ngưỡng bản lề của tuổi trẻ: bước qua một cái gì đó và không thể quay lại được nữa. Vì mình muốn bạn biết, và bạn có quyền được biết. Cũng như bạn đã đủ tin tưởng kể cho mình nghe những điều không hề muốn. Biết chỉ là để biết.

[ ...] - mình thật không biết nữa. Như thể một phức hợp các cảm xúc trái chiều ồ ạt kéo đến mỗi khi mình gặp bạn, cứ như lạc vào một căn phòng chật đầy những hồi hợp và lo lắng, thích thú và mong đợi, căng thẳng mà ngờ nghệch, nhưng đa phần là hạnh phúc. Dù hạnh phúc không phải lúc nào cũng mang vị ngọt.

Mình cũng không thể miêu tả rõ ràng, tình yêu theo mình là như thế nào. Mình cũng chẳng rõ bản thân trông chờ gì từ những cái-gọi-là-yêu. Và cả những cảm giác kia nữa có nghĩa là gì? Nhưng như thế chắc chưa đủ dể gọi là yêu. Và chắc chắn là không bao giờ đủ. Vì chúng ta đang sống trong thế giới mà chỉ có tình yêu thôi thì chưa đủ.

Vì bạn xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn! và điều đó làm mình muốn trở thành người đàn ông tốt hơn.

Lời nói không đáng tin. Hứa hẹn chỉ là biểu hiện của sự bất lực trong tạo lập tin tưởng, bằng hành động. Tình cảm luôn bất định và tình yêu không phải là chuyến tàu hai chiều. Chúng ta rồi cũng sẽ lại yêu. Nhưng không bao giờ theo cách chúng ta đã muốn từng: yêu em khi em đang còn trẻ. Mình rồi cũng không biết mong muốn này có còn tồn tại bao lâu nữa. Mình không thể chắc được. Không thể chắc được bất cứ điều gì. Nhưng, với điều này, mình biết chắc. Là mỗi lần tới đây, nếu chúng ta có còn gặp, mình sẽ lại vui mừng, nếu những phức-cảm trên kia lại được dịp nhảy múa. Sẽ rất vui mừng.

Và mình lại kể bạn nghe, câu chuyện chưa bao giờ cũ.





P.s: Trì hoãn lắm rồi thì cũng phải thừa nhận: viết ra những điều không bao giờ nói như thế này, không phải là cố gắng xích lại gần nhau, mà ngược lại, là sự thú nhận rằng chúng ta là khác biệt. Chúng ta cùng theo đuổi một cuộc sống chung, nhưng với những biểu hiện và cách thức quá khác nhau. Và mình khó thể làm bạn hoàn toàn hạnh phúc. Thực tế mình chẳng có chút nào giống với người đàn ông bạn cần, một người bạn có thể yêu. Điều đó rất đau lòng, nhưng không thể chối cãi. Nhưng trên hết cả, hơn cả hy vọng, anh vẫn muốn yêu em. Dù đó có thể là một thể loại tình cảm què quặt như nào đi nữa.


Là mình muốn nhiều hơn hy vọng.












Thứ Năm, 3 tháng 6, 2010

Về sáng tạo

hay Nhiệm vụ của người viết (*).






Tôi viết về những gì không to tát. Tôi cũng nghĩ rằng mình vốn không thể; không cần gì phải thanh minh, vì vốn mọi sự vẫn thế: tôi chỉ muốn viết về những gì đơn giản. Đơn giản vì tôi muốn viết. Đơn giản như Hemingway nói về cây bút chì, của mình, giả như là ông từng có muốn.

Hemingway có thói quen viết bằng bút chì. Mẩu chì ngắn, đầu chuốt nhọn; người đàn ông khổng lồ lom khom viết, dưới ánh đèn vàng trong quán rượu, nơi mà sau một buổi làm việc ra trò, ông có thể tự thưởng cho mình một bữa ngon, và cả rượu. Ông say mê đồ ăn, và cả uống rượu, mặc dù có thể chỉ là vài hớp rượu vang, theo bữa. Khó lòng kết luận rằng thói quen lên men này là tác chất cho sự thăng hoa tài năng của Hemingway; ngược lại, lối viết triệt để tước bỏ mọi cảm xúc thừa, tỉnh táo đến lạnh lùng của ông, như dìm xuống tận lớp băng sâu, những gì không cần nói: những gì không cần nói không cần nói.

Hay như Orhan Pamuk có thói quen viết nháp trong đầu. Ông thường lên khung cả bài viết, suy tính cẩn thận, chừng ưng ý, rồi mới bắt đầu viết lại, thành câu chữ. Ông gọi công đoạn viết lại này, chính là tái sáng tạo bản thảo, mặc dù mọi điều ông muốn viết đều sẵn có trong đầu rồi.

Hoặc là một người khác nữa, bao nhiêu năm trời, vẫn giữ thói quen viết giữa bộn bề sách vỡ, bao nhiêu năm trời.

Nói về thói quen, của các nhà văn, thật khó lòng kể siết.

Nhưng sẽ không có, hoặc ít ra, không thể tìm ra mối liên hệ nào, ít nhất, từ gốc độ quan sát của ngôi thứ ba, như là chúng ta, đang phân tích mối tương quan trong quá trình sáng tác, các thói quen, và nguồn cơn sáng tạo của các nhà văn vừa nêu. Sáng tạo là công việc của trí óc, là tác phẩm của trí tưởng tượng. Các thói quen làm việc chỉ làm được mỗi một việc duy nhất: duy trì chính thói quen làm việc, ở nhà văn. Hay một cách khác, là một chút thoải mái xa xỉ các nhà văn tự yêu chiều bản thân, trong công việc. Nói một cách khác, viết hay bất kỳ lĩnh vực gì liên quan đến viết là một khoa học cực nhọc.

Tôi không có tham vọng xem xét tất cả các mặt biểu hiện-quan hệ mang nội hàm sáng tạo, hoặc theo chiều ngược lại, phạm trù sáng tạo xét trong quen hệ với tính biểu hiện cũng như các công cụ biểu hiện (phương tiện biểu diễn). Dù cố nhiên, tính biểu hiện không phải là một trong các đặc tính cơ hữu của sáng tạo. Tôi cũng không cố công đưa ra một định nghĩa chặt chẽ về ngữ nghĩa cũng như câu chữ, thế nào là sáng tạo. Đồ cổ hiển nhiên là có rất giá trị, trong bảo tàng. Nhưng tôi muốn đi xa hơn quan niệm thông thường trong ý niệm về sáng tạo: sáng tạo là một hình thái của nghệ thuật biểu hiện; và rộng hơn: sáng tạo là chuyên môn của các nghệ sĩ. Hoặc ít nhất, là cố công thoát ra khỏi lối mòn trong chính mỗi chúng ta.

Vì sáng tạo vốn không nên định nghĩa; những chiếc áo may sẵn sẽ không bao giờ vừa thân hình vun vút lớn, và cần phải thế.

Như trách nhiệm của các nhà phê bình, là truy tìm cái đẹp: thấy những cái chưa ai thấy, và nói những gì không ai từng nói; nhà phê bình theo đúng nghĩa phê bình chính là người lôi tuột ra khỏi lớp vỏ ngôn từ của người viết, cái đẹp mà tất thảy mọi người còn lại có thể chiêm ngưỡng, có thể trầm trồ, thậm chí có thể để ngưỡng mộ, bất chấp nỗ lực của người viết là cố công che đậy, hoặc giả là che hờ chờ ngày được phục hiện. Nói cách khác, nhà phê bình chính là người trả cho cái đẹp vẻ đẹp vốn có của nó. Mà cái đẹp, vốn cũng chẳng có tiểu chuẩn, hay định nghĩa toàn năng nào ngõ hầu xem xét như một quy chuẩn chung.

Nói cách khác, công việc phê bình là may cho cái đẹp một lớp màn nhung của biểu cảm, mà theo đó, người ta dễ dàng đồng tình với nhau, chính thị cái đẹp, nhưng cũng đồng thời tạo ra một cái khung bóp chặt lấy cái đẹp vừa được tri giác. Nhà phê bình vừa định danh cái đẹp, trao cho nó một cuộc sống sống động nhưng cũng đồng thời bóp nghẹt nó trong cái lồng giam hãm của sự định danh. Dù rằng cái thực sự giới hạn con người, cái thực sự cầm tù khả năng tri ngộ cái đẹp của con người, không phải là công việc phê bình, chính là sự tự mãn. Vì con người vốn rất lười biếng.

Quá trình sáng tạo, về cơ bản, cũng giống như một quá trình phê bình. Tức là tuy cùng hướng đến việc tạo ra cái đẹp, hay phục dựng, hay định danh, - dù gì thì công cuộc phê bình phần nhiều cũng dẫn đến việc viết ra, nhưng quá trình sáng tạo không nhất thiết đòi hỏi phải được thể hiện. Trong khi công cuộc phê bình chỉ hoàn toàn khi sự phê bình được hiện thực hóa cho một đối tượng khác, ngoài bản thể người phê bình, có thể thực kiến. Nói cách khác, sáng tạo không đòi hỏi phải được thể hiện.

Những người thợ lành nghề, hoặc giả là các công việc tay chân, hoàn toàn có thể là nguồn cơn của sáng tạo, mà nhiều khi chính họ, những công nhân của chân tay trong hầu hết thời gian, không hề nhận biết. Mà hầu hết các loại hình lao động chân tay cũng vậy, nơi mà không mảy may nghi ngờ chút nào, sự thành thục của thói quen chiếm ưu thế vượt trội so với sự linh hoạt của trí não; họ ít nhất một lần trong đời đã từng sáng tạo ra một cái gì mới, và có thể thật sự hữu ích cho chính công việc mình. Và chính cái phần hữu ích bé nhỏ và hiếm hoi đó đã đánh lừa mọi người: những trường hợp ngay lập tức được ghi nhận là những trường hợp bộc lộ giá trị ích lợi, không quá trễ. Nếu không muốn bị lãng quên nhanh chóng. Mà trí nhớ cá nhân trong quây quần đám đông cũng chẳng tồn tại được chút nào lâu hơn.

Sáng tạo vốn dĩ chỉ nhằm tạo ra cái mới. Bản thân sự hiện diện của cái mới chính là xác tín duy nhất và là mục đích cuối cùng cho sự tồn tại của sáng tạo, hay trong một hệ giá trị khác, là táng xạo. Các phán đoán về giá trị của con người là rất mông lung, tùy tiện và không có căn cứ. Và vì vậy, mới thấy rõ sự cần thiết của công tác phê bình - quá trình xét lại chân lý không bao giờ sai lầm; không phải là sự vạch ra rõ ràng định mức chung cho cái đẹp, mà chính là sự nỗ lực không ngừng nghỉ để sửa chữa các ngộ nhận từng được đám đông vinh danh. Như một người từng mộng mơ, chân lý sẽ nằm trong tay con người, chừng nào con người còn khả năng tự sửa chữa, từ sai lầm.

Tính biểu hiện, khả năng trình diễn hay sự thể hiện chỉ là công cụ, trong giai đoạn cuối của quá trình sáng tạo, vốn thiên về nghệ thuật trình diễn hơn là bản chất của sự sáng tạo. Bởi vì sáng tạo chính là một sự thúc đẩy, truyền cảm hứng lớn lao, diễn ra bên trong mỗi bản thể. Hay một cách hình tượng, có thể nói, sáng tạo là quá trình lôi từ trong mớ hỗn độn vô định của tâm thức một cái gì mới, rõ ràng và khác biệt, rồi cho nó một định danh. Chính sự cố gắng của tâm trí trong việc đi từ vô định sang hữu thể một cách có chủ đích, gây nên niềm cảm hứng lớn lao, cho bản thể thực thi, mặc dù không phải ai cũng có thể nhận biết.

Cũng chính cái nỗ lực đi từ không đến có đó làm cho sáng tạo, hay trong trường hợp cụ thể là viết, trở nên nặng nhọc: chính cả người viết cũng không thể biết trước được rằng, họ đang tạo ra cái gì, cho dù họ có mường tượng rõ ràng bao nhiêu đi nữa ý niệm về cái đang thành hình: sức sống của một bài viết phụ thuộc hoàn toàn vào người đọc. Hoặc các nhà phê bình. Hoặc các bài điểm sách.

Vì vậy, xét cho cùng, khi không hề, hoặc không thể, hoặc không nên, đặt ra quy chuẩn phổ quát trong việc xác định, đánh giá, hoặc là nhận chân cái đẹp, thì cũng không thể, không nên hoặc giả là không hề cần thiết tạo ra những lề thói có thể trói buộc và qua đó kiềm hãm hoặc giả là định hướng sáng tạo vào các lối mòn chỉ là những ngộ nhận làm hạn chế chính khả năng tưởng tượng của con người. Một khi tâm trí con người thực sự rộng mở, thì những thanh barrier sẽ chỉ là những thanh barrier đơn thuần.

Nhiệm vụ của người viết không phải là sáng tạo, - bản thân công việc viết đã là một phép ảo thuật từ không thành có, cũng như việc tạo ra cái mới cũng không phải là cứu cánh của viết, đúng theo tất cả các ngữ nghĩa, cả truyền thông lẫn truyền thống. Cuộc sống của trên tinh cầu này cung cấp không quá nhiều những điều thực sự mới mẽ, trong suốt chiều dài của tất cả các nền văn minh, (đã vậy số lượng người viết lại càng ngày càng quá đông. Đông đến mức thật không sao chịu nổi phải mò lên blog viết này).

Cũng không phải là tạo ra người đọc. Thực sự người viết không hề có khả năng đó, cả tiếp thị cũng không: những mẩu quảng cáo chỉ có thể đem người mua nhanh tới gần với thành phẩm của quá trình viết, sách.

Tôi cũng không muốn dài dòng, nhưng buộc phải rõ ràng: nhiệm vụ của người viết, không gì khác hơn, là bất cứ gì có thể, trong bất cứ hoàn cảnh nào, và trong mọi ngữ nghĩa, là viết, như một cách phụng sự cuộc sống. Và chỉ viết thôi, bất kể tất cả mọi điều còn lại.

Nhưng việc đó là khó thể, vì viết hoàn toàn không phải là một hoạt động tự thân.

















(*) tựa bài viết trên là một thể loại ăn theo, của bài này.


Thứ Ba, 1 tháng 6, 2010

Tu vas me detruire

.



via B.C







mưa reo khúc hát
tựa bể tràn











mạn trong Mạn Vũ quả thật là một từ đẹp.



Cô bé bên cửa sổ



Ngày xửa ngày xưa, có cô bé nhỏ tuổi, thường hay mộng mơ, và thích trèo lên cửa sổ, ngắm mây bay vẫn vơ, rồi ngày nọ, cô bé té cái đùng, chết queo.

Câu chuyện có lẽ đã là như vậy, nếu cái lần Tottochan bị đuổi khỏi trường tiểu học chỉ bởi mãi mê nhìn những người hát rong bên ngoài, hơn là nghe lời cô giáo giảng bài trong lớp, mẹ Tottochan đã không phản ứng lại quyết định của nhà trường: Tottochan là một em bé hư.

Câu chuyện đã không như vậy, nó đã rất khác, vì mẹ Tottochan quyết định em sẽ là em bé ngoan, ở một nơi nào khác, tốt hơn, như chính Kuroyanagi Tetsuko nhìn nhận, sau này, trong cuốn hồi ký của mình: Tottochan - Cô bé bên cửa sổ.

Chỉ hơn một năm ngắn ngủi học dưới mái trường Tomoe Gakuen, tiếp nhận sự dạy dỗ của Thầy Hiệu trưởng Kobayashi Sosaku, cùng các bạn đồng học trải qua những bữa ăn xuống biển khơi, lên rừng thẳm, trong những toa tàu lửa không lăn bánh, là quãng thời gian lý thú nhất của bé Tottochan, bởi vì theo lời cô Tetsuko, thì bé Tottochan không học được bất kỳ thứ gì, ngoại trừ được chơi thỏa thích.

Trước những trò nghịch quấy của Tottochan, Thầy Hiệu trưởng không những không la mắng, mà còn luôn xoa đầu ngợi khen, khi có dịp: "Tottochan, em là một em bé ngoan!".

Cuốn sách đã trở thành một hiện tượng xuất bản tại Nhật vào thời điểm đó.

Và câu chuyện về bé Tottochan, chưa bao giờ cũ, còn là câu chuyện về Người Thầy: Thầy Hiệu trưởng Kobayashi Sosaku.

Ông là hiện thân cho lòng kiên trì thấu hiểu và khoan dung vô tận đối với con trẻ. Ông phớt lờ các quy chuẩn cưỡng-đặt tồn tại, mà thay vào đó, là khuyến khích khác biệt, bao gồm cả bao dung những dị biệt, như là dị tật, của cả những đứa trẻ không may: một đứa trẻ trưởng thành, không phải đi theo bất cứ sự ép buộc bên ngoài nào, mà chỉ đơn giản là lớn lên như một đứa trẻ, với sự hướng dẫn của Người Thầy; ước mơ của các cô không là gì cả, ước mơ của đứa trẻ mới quan trọng.

Ông là hình mẫu cho Người Thầy, trong bất kể mô hình-hệ thống hay triết lý giáo dục nào, rằng mô hình là đại chúng, nhưng phương cách là cá nhân; bất kể các em làm gì, các em cũng là duy nhất trên thế giới này.

Ông chỉ đơn giản là làm một Người Thầy, và ông đã làm tốt điều đó.

Và cô bé Tottochan nghịch ngợm năm nào, đã học được từ ông, một người thầy vĩ đại, cách không trở thành một cái gì đó khác, ngoài là chính mình.















Cuối cùng, một cái kẹo cho mẹ Tottochan, người thầy đầu tiên, vì đã quyết định con bé không là một đứa trẻ hư.