Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

Vì sao tôi viết blog?


















2. Life is supposed to be a surprise!

















3.
















.




Còn chờ gì hở tôi?








Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2010

Ở tiệc ăn cưới




Nhìn vào lọn tóc xoăn
sau khuôn má bầu bĩnh không dày son phấn
trong suốt chừng buổi tiệc ăn cưới
quá xá là người
không còn quen nhau
mười người xa lạ
góp chung tiền ăn một bữa cơm mời
cặm cụi lặm lụi
những cái nhìn phớt
thắp lên môi mỉm cười tươi
chỉ chờ tắt vội
vào cái ngày hiếm khi có dịp
mấy người thật cười thật lâu
một niềm vui chung không dài quá bàn dài sáu người
trên sân khấu của buổi tiệc
người đàn ông tóc mượt đãi đều đều giọng êm
em say anh say em mọi người say tiệc tùng
lượm thượm soa-rê kéo lê đi giữa những chiếc ly giơ cao
chúc mừng!
giữa chừng món cuối
Nơi bắt đầu mơ ước
người ta mơ về chiếc giường với cái xõa vai dễ chịu
có tiếng đàn so dây
nhóm nhạc công cũ kỹ đang xõa xề ở chiếc bàn gần bên
sân khấu có hai con người trẻ
so dây, rồi hát
món lẩu nghi ngút khói
ngó lơ
cánh bên kia vang lên những tiếng hú hét của bia ngà ngà
một chút lửa thắp lên
khi chú rể bỏ veste ngoài giựt lấy micro
rồi hát
'tìm lại đi hãy tìm lại trong mỗi người ...'
hội trường gần vỡ
những tiếng vỗ tay
kéo dài
cô dâu cười trắng tinh
Từ những cánh đồng xa ngút mắt tận miền đồng cỏ phía Tây
cho đến đại lộ đông nghịt người và xe đậu lẫn phía dưới sân khấu dựng tạm
cả những căn phòng 16 mét vuông nhồi chật ém cả trăm người đừng ngồi ngong ngóng đợi
hay trước mảnh gương vỡ trong phòng tắm gói ghém cả ti tỉ thứ đồ
để thấy một giấc mơ
Cuộc đời ngắn ngủi chẳng là cái con mẹ gì
khi người ta đứng lên và hát,
dám đứng lên, rồi hát:
"Tôi có một giấc mơ". (1)
ước mơ bất tử
Những con chim đã chết trong bụi mận gai, sau khi hót (2)
Những con chim sẽ chết trong bụi mận gai, sau khi chúng hót
Những con chim có chết trong bụi mận gai, chúng cũng cất cao tiếng hót một lần
Dẫu chỉ để bắt đầu
chết một giấc mơ.



... đã đến lúc sống giấc mơ đời mình (3)







. Ghi chú sau khi đọc: nghe bài này.
. Chú thích sau khi đọc:
(1) I have a dream
(2) Những con chim trong bụi mận gai
(3) Thời gian để yêu















Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2010

Năm phút cho buổi sáng



Chuyển mùa. thành phố ì ạch lê thân qua nốt những ngày nóng bức còn lại, sự rõ mong là vậy, trên bao cành lá héo hon và mặt người nhễ nhại. Sức chịu đựng bền bỉ của cuộc sống lại có cuộc tương phùng ngày càng không thể chịu nổi với vòng quay vô tận của tự nhiên càng ngày càng khắc nghiệt. Quả thật không thể nào chịu được, nếu không có điện, nếu không có máy làm lạnh các thứ, hoặc giả là không có những cơn gió nhẹ, đến sớm.

Có thể là khi tối trời, buổi quá giờ vội vã, đường trống và người có được chút thảnh thơi, xe có thể bon bon chạy, càng chậm có lẽ càng tốt, để mặc cho tấm màn sóng sánh của khí trời se sẽ mát lành vồ vập: cả thân người như ngón tay ướt để mặc cho gió lạnh vuốt ve. Chút thanh thản ngày muộn, cho đến chừng đụng phải hồ bơi-lô cốt hay đào đường các thể loại.

Hoặc là buổi sớm, khi những cơn ngáy ngủ còn lờ mờ trên khuôn mặt sớm giờ mưu sinh, khi chợ phố đã bắt đầu vào ca, khi mặt trời còn đương khuất sau tầm cao bình quân của các căn hộ thành phố; là khi cả tiếng động khẽ cũng làm con phố giựt mình; là lúc có thể làm chuyến dạo chơi thong dong qua các con đường lớn nhỏ, có tàng cây cao vút và xe cộ không quá đông, như là rơi ra khỏi sự vồn vã đặc trưng của đời sống thành thị, như một mình ngang qua thành phố lạ.

Những dãy nhà phố mặt cửa đóng im im. Túm tụm những người, trên vỉa hè, trên các loại ghế nhựa, bên ly cà-phê cóc với tờ báo sáng và những mẩu chuyện con con, hay bên món điểm tâm hâm hấp hơi ấm bốc lên không ngừng. Những râm ran bắt đầu của vòng quay hối hả.

Nếu có vô tình bạn chọn khu vực bồn Con Rùa làm điểm đến thì sẽ phát hiện trong bồn không có rùa hiện giờ đang có những đụm sen súng đang chực nở bung. Rồi hãy nhằm hướng một chiều mà đi, tìm xe xôi mặn, mà tôi thích gọi là hàng, đầu tiên bên trái chiều đường, đương nhiên là trên vỉa hè rồi. Thong thả thôi, không gì có thể, và nên là không thể, buộc bạn vội vã, ngay cả việc tìm thấy cái hàng xôi chưa biết là còn có hay không. Nhưng giả thử là bạn tìm thấy, và giả thử là bạn dừng lại, giả thử thêm nữa là bạn có mua xôi, vậy thì lúc đó đừng chỉ chằm chằm nhìn vào xôi và các thứ với cái bụng đói êm, hãy ngẩng đầu lên mà nhìn quanh quẩn, hầu tìm ra một gì, một gì đó khá dĩ, làm cho hàng xôi đầu tiên bên trái chiều đi của con đường trở nên đáng để tìm kiếm. Dù giả thử bạn có biết rằng không gì là lạ lùng trong cái thành phố vốn dĩ đã có quá nhiều lạ thường này.

Hoặc là tượng Đức mẹ, nơi có thể ngắm hàng lượt bồ câu bay, chao nghiêng góc trời. Không biết từ đâu chúng đến, không biết cả nơi đâu chúng đi, nhưng trong một sáng đẹp trời, khi những xiên nắng chỉ vừa kịp đổ bóng người dài thượt trên sân rộng, nếu có vô tình đi ngang vùng rốn thành phố này, mà không còn thấy chúng nữa, thì quả thật ngậm ngùi: đàn bồ câu bên tượng Đức mẹ đã đi đâu? Vào nồi thì càng ngon.

Một sớm quanh quẩn có lẽ không mang lại được cho bạn điều gì, ngoài những quẩn quanh không đầu không đũa, đó là chưa kể đến vấn đề đầu tiên: tiền xăng. Có thể mấy đụm súng sen trong bồn không có rùa con những vẫn được gọi là bồn Con Rùa cũng không còn nữa. Có thể hàng xôi đầu tiên bên trái chiều đi đường cũng không còn, hoặc giả là hết còn là đầu tiên. Có thể đàn bồ câu bên tượng Đức mẹ cũng không còn. Và có thể bạn cả đời cũng không một lần đặt chân đến thành phố này nữa. Nhưng một chuyến dạo chơi buổi sớm, là đáng vô cùng.


Dẫu chỉ để được nhìn thấy một tia nắng xiên xuyên qua vòm lá, đẹp ngẩn ngơ!
















Thứ Năm, 27 tháng 5, 2010

Cũ và cỗ



Quán vuông vức nằm trên một trong những con đường danh giá bật nhất thành phố. Mặt ngoài có cửa vào hai cánh đẩy, nằm lệch sang bên, nhường chỗ cho mặt kính rộng trong suốt lấp vào khoảng trống cạnh bên. Bên trong rộng, và sâu, trần thấp rồi cao ứng với hai vùng không gian khác biệt: những thanh xà gỗ chằng dọc ngang phía ngoài rồi chuyển sang đan chéo xuống lên những đoạn chạy dọc xen kẽ, tới tận cuối phòng. Nội thất màu sậm, đồ gỗ, và các mặt vách bọc kỹ sậm màu; bên trong quán mang màu sậm; nhạc jazz dập diều vang vang. Thứ nhạc jazz khiến người ta dễ liên tưởng đến một thời đại nhạc jazz gắn liền với thế hệ mất mát, - những cơn mơ hồ tuyệt vọng mà vụt sáng chói chang, day dứt mà hoang hoải, điên loạn mà ngập tràn hy vọng; những hội hè miên man liên miên không dứt.

Từ quán trông ra, xuyên khung kính, những ô nắng vàng nhảy nhót. Đường nhỏ đủ hun hút dài.

***

Vintage, về mặt từ nguyên là, vindemia, sự kết hợp giữa vinum (wine) và demere (remove), theo tiếng Latin, có thể lý giải nôm na dựa theo quy trình sản xuất rượu vang: rượu ngâm càng lâu thì càng ngon, càng được giá, nghĩa là giá trị càng cao. Theo đó, vintage mang nghĩa của một biểu hiện bảo chứng của/qua thời gian cho tính giá trị của nhãn hiệu/thương hiệu. Thời gian không tạo ra bất kì giá trị nào, thay cho con người, chúng chỉ lọc bớt hay gạt ra những ngụy-giá trị được đám đông vinh danh. Mà thời gian như ông lão lù đù, vừa chậm chạp lại vừa lười, hiếm khi lên tiếng đúng lúc, để mặc con người bơi trong biển lớn lẫn lộn những chân-ngụy, để mặc con người chìm trong nỗi hoài nhớ cũ kỹ, về một thời hoặc đã từng, hoặc chưa bao giờ. Dù phần nhiều vẫn là chưa bao giờ, "chết vì nỗi nhớ cái gì mà mình chưa biết rõ".

***


Vintage, dù vậy, vẫn không biết gọi là cũ hay cổ? Và giá trị lâu như thế nào thì đủ là giá trị?

***


Jazz là dòng nhạc ra đời từ khoảng sớm thế kỷ 20, bắt nguồn từ cộng đồng người da đen, ở miền Nam, nước Mỹ. Nổi tiếng là dòng nhạc có tiết tấu biến động, và sự ngẫu hứng trong trình diễn, Jazz luôn là niềm cảm xúc bất tận được vun bồi bởi những tâm hồn phóng khoáng, và phần nhiều vỡ nát, cũng như làm nên tên tuổi của các người con vĩ đại. Điều đó có nghĩa là họ, đa phần da màu, đã góp công tạo nên bắt đầu cho dòng nhạc Jazz kén chọn, và ngược lại, Jazz trở thành niềm cảm hứng trong họ, cho họ cuộc sống, để tiếp tục sống, để rồi niềm cảm hứng đó tiếp tục được truyền lại, cho nhiều nhiều thế hệ sau nữa, mãi mãi. Hai trong số những cái tên sẽ còn được nhắc lại mãi là Louis Amstrong, giọng nam khàn cười cợt, và Nina Simone, người đàn bà mạnh mẽ, mạnh mẽ y hệt như trên nền tiếng đàn dương cầm dầm dập giọng bà vút lên trong Ain't got no, I got Life.


Cũng không biết gọi là cổ hay cũ.


***


Trong tiểu luận "Tự nhiên như người Hà Nội" của Trương Quý, có dẫn sử gia Dương Trung Quốc nói rằng, đại ý, khu phố cổ Hà Nội hiện nay chỉ là phố cũ, không phải cổ, chẳng có lấy mấy căn nhà thọ trên trăm tuổi thì lấy đâu ra mà cổ. Tác giả cũng không ý kiến rõ ràng về nhận định trên, dù có dẫn luận những luận điểm để minh chứng một không gian phố cổ tồn tại không chỉ cần tồn tại trong tâm thức vô hình, mà còn phải hữu thể, tuy nhiên có nhấn mạnh đến tầm quan trọng sự tồn tại cái giá trị nội hàm của cái gọi là phố cổ, như và không như hiện thấy: không chỉ là cái vẻ bề ngoài sơn phết giả cổ, mà còn là thái độ và cung cách ứng xử, không chỉ đối với các công trình-di sản đang tồn tại, mà còn là đối với hệ thống những giá trị cũ, không chỉ đối với vật-người thời cũ, mà còn đối với và trong những con người chúng ta, con người của thời hiện tại. Vì như tác giả đã từng viết, nếu người ta cứ tiếp tục ứng xử chắp vá với quá khứ như hiện thời, thì 'ngàn năm cũng (đến) là vô nghĩa'.

***

Những giá trị nội hàm, hay còn gọi là những gì khuất sau bề mặt bóng loáng của sự kiện, luôn là câu hỏi làm đau đầu con người. Không dễ dàng gì biết được bên dưới tảng băng trôi kia, bao nhiêu phần lấp ló, đương chờ nổi lên, hoặc từ chối nổi lên. Có thể phân biệt được những biểu hiện nào là xuất phát từ thẳm sâu lõi bản chất của sự kiện hay chỉ là một động tác đánh lừa của mưu mô luôn là một khả năng không phải ai cũng có thể học được. Nói cách khác, để có thể phóng chiếu ngược lại tập chân-giá trị của một sự kiện, chỉ nhờ dựa trên sự nhận thấy các biểu hiện ngoại biên, luôn là một bài toán khó, nếu không muốn nói là quá khó. Lựa chọn tin tưởng hay không lúc này không chỉ đơn thuần là quá trình suy lý. Nó đòi hỏi nhiều hơn, kinh nghiệm, dự cảm và cả linh cảm, mà phần nhiều là tử cảm-làm liều. Nhưng con người có xu hướng tin vào tính bất khả sai lầm của bản thân hơn là xét lại cái chân lý vừa thủ đắc. Hóa ra, sự khó khăn nhất đến từ bên trong mỗi người, nhìn thấy hay không nhìn thấy, có thể đơn giản chỉ là câu hỏi tu từ: Chúng ta là ai?

Nhưng mọi lý luận đều màu xám, chỉ là trang sức đem theo trong cuộc hành trình bất định cuốn vào tương lai. Bởi vì bất kể người ta có nói nhiều bao nhiêu, dài như thế nào, thì phố cỗ vẫn tấp nập, đất nước vẫn hiện đại, văn minh, dân giàu, nước mạnh. Thời gian vẫn cứ trôi mà mọi gì của hôm nay rốt rồi cũng trở thành cũ, hoặc cỗ. Những trăn trở về ngày hôm qua, rồi sẽ cũng trở lại, trong những trăn trở về hôm qua, của ngày mai, trong những dạng thức không quá khác. Mà rồi cũng như số phận của những con người lững thững, mòn mõi cũ kỹ sống trong nhịp hối hả của thời hiện đại, - những người coi việc nắm tay còn phấn khích hơn cả lên giường, coi một cái hôn vội còn vồn vã hơn màn khóa môi, coi bản thân việc chìm trong ngập lụt những xúc cảm nồng nàn còn nhiều hứa hẹn hơn vạn ngàn lời thề thốt mưa gió - rồi cũng hoặc trôi tuột vào quên lãng, hoặc cùng lắm là được đưa vào bảo tàng, lồng kính, làm hiện vật: chết rốt trong trinh trắng.



Cũ hay cổ chỉ cũng ý nghĩa đến thế là cùng!



















*một câu hỏi nhỏ: bạn đã từng đọc cuốn sách nào trong số được nhắc đến trong bài viết trên đây chưa?


Thứ Tư, 26 tháng 5, 2010

Sách ngoài danh mục


*lại câu view đây.



hay là Cuộc phiêu lưu đầu tiên của Xuxu và các đồng bọn.





Xuxu hẳn nhiên là một cái tên. Nhưng không phải là cái tên của Xuxu, ngay từ khi mới lọt lòng, hẳn nhiên Xuxu cũng có một cái tên tốt đẹp như bao đứa trẻ khác. Nhưng không ai biết được cả, ngay cả tôi cũng không, mà có lẽ cũng chẳng ai biết. Mọi người cứ gọi Xuxu là Xuxu, từ lâu lắm rồi, có khi từ lúc nào thì chính Xuxu cũng chẳng biết được. Xuxu có bao giờ phải tự gọi tên mình đâu. Vì vậy cứ mà gọi Xuxu là Xuxu chứ không cần phải nhọc lòng tìm hiểu làm gì. Là tôi nói thế thôi, bạn không cần bận tâm.

Xuxu sinh ra ở đâu, từ đâu đến, và đang làm gì, cũng chẳng ai biết, mà cũng chẳng cần ai biết, Xuxu cứ xuxu thế thôi. Không cứ phải tung hê lên rằng thì là mà 'tôi là Xuxu' - ấy là tôi đang nói giả thử tôi là Xuxu ấy, thì Xuxu mới được là Xuxu; mặc kệ mọi người có biết hay không, Xuxu đã Xuxu rồi. Không phải bàn nhiều.

Chẳng biết Xuxu xuxu gì để mà xuxu, nhưng nhắm chừng Xuxu đi nhiều, mà lại còn rảnh rỗi nữa. Vậy nên ách giữa đàng Xuxu mang chồng vào cổ, Xuxu đi xin sách. Ai hỏi thì Xuxu bảo xin về cho bọn nít chúng xuxu. Ai bảo ở đâu thì Xuxu trả lời, cao lắm, xa lắm cái mà xuxu đói cái bụng vẫn xuxu tới được. Ấy là Xuxu xuxu thế. Thật ra thì tôi cũng chẳng biết xuxu là gì, nhưng mà tôi cứ xuxu theo Xuxu cho nó xuxu vậy.

Tới lúc này thì Xuxu mới hét tướng lên: Xuxu bảo ai có sách cho sách, ai có tiền cho tiền thì Xuxu xuxu lấy phải lượm tiền mua sách mang tới thì Xuxu mới xuxu nhận, ai có lòng thì cứ cất ở nhà chờ đặng vu quy nấu cháo lòng, Xuxu không quan tâm. Cái này là tôi thêm vào, Xuxu xuxu có nói, tôi nó ra luôn cho bạn xuxu đỡ thắc mắc.

Thế rồi Sữa Mỡ xuất hiện. Nhân vật này vừa mỡ vừa xấu mà lại được cái dzô dziên, lại cái thịt thúi nữa, mặc dù nói cho cùng thì cũng có được ưu điểm, như là nói nhảm không cần mở mắt hay là trét nước miếng không cần lè lưỡi, nhưng mà điểm nổi bật nhất vẫn là vừa ở dơ vừa lanh chanh. Ngửi thấy Xuxu xuxu sách, Sữa Mỡ hứng khởi lắm, bèn nhảy vào, vỗ ngực nói ngay: "Để Mỡ lo!" - mấy bạn ếch có được nghĩ quàng xiên tui quảng cáo cho phim Việt đó nha, nghĩ dậy là tội cho tui lắm, tui cóc có thèm nói đó là tui thuổng từ tựa cái phim của anh Dũng đâu à.

Lại nói chuyện Sữa Mỡ: sướng cái miệng mà hại cái thân. Lỡ nói rồi, kiếm sách đâu ra? Nhà Mỡ cũng có sách đó, nhưng mà sách vừa dày vừa hông ai thèm đọc Mỡ mới tha về. Đó là xảo biện thôi, chứ thực ra Mỡ x (đọc là ít-xờ) có muốn cho đám sách đó. Mỡ quý tụi nó lắm. Cái này tôi cam đoan với bạn, ai chứ con Mỡ này, nó được cái xấu mà toàn mần vai ác, vừa ác vừa điêu! Nói cho các bạn biết chơi chứ mà các bạn nói là tôi nói là tôi chối ngay liền tôi hông có nói. Tôi đâu ngu mà nhận mình nói có cho con Mỡ nó lấy mớ sách vừa dày vừa hông ai thèm đọc vừa nói ở trên đập đầu tôi. Tôi hông đẹp nhưng tôi cũng hông có ngu, ha!

Trở lại chuyện con Mỡ, lộn, Sữa Mỡ. Sữa Mỡ tính đi tính lại, cuối cùng hết tính nổi rồi nên khỏi tính luôn, Sữa Mỡ cũng hét tướng lên: ai có sách thì cho mìn xin, ai có tiền thì cứ giữ lại mìn không xin nhưng mà có cho thì mìn cũng xin. Tôi cũng không biết là có nhiều người sợ con Mỡ nó lấy sách đập đầu, hay là người ta tin nó thiệt, hay là người ta nghĩ gì nữa, nhưng mà thiệt may, con Mỡ, lại lộn, Sữa Mỡ hét lên thì có người hưởng ứng. Mấy mống à, hông dậy là may rồi, không thì có mà con Mỡ đi mua dao cướp nhà sách đem sách lại nộp à không cho Xuxu.

Cũng hên có mấy bưởi hưởng ứng hà, còn mấy bưởi nữa thì chắc cũng sướng miệng hại thân tính đường hông ra nên im re luôn mà hên là im re chứ đồng loạt bưởi nào cũng hứng tới thì tiêu bà con Mỡ luôn rồi: sau một đêm, một sáng vơ vét Sữa Mỡ đem về một mớ sách hai người cầm không suể, bốn mắt đọc không xong và xe chở hai chuyến cũng chẳng thừa. Tôi nói gạt bạn đó, chứ có chút bẻo đè người còn chết thì chiều đó con Mỡ chở vèo vèo hai cú là xong. Chấm. Hết chuyện.

Lần này, là tôi nói xạo. Ví dù chuyện có bằng phẳng thế thì tui cũng xạo thêm cho nó ra dài dòng. Nhưng mà chuyện này còn ly kỳ hơn nữa, bởi sự xuất hiện của Cây Tăm.

Gọi là Cây Tăm không có nghĩa nó là cây tăm, hoặc nó ốm như cây tăm, mặc dù nó ốm còn hơn cây tăm thiệt, nhưng mà đó không phải lý do. Lý do là nó tên Trâm, nên tôi gọi nó là Cây Tăm. Bạn không có quyền ý kiến. Chuyện tôi kể thì tôi muốn gọi sao tôi gọi, chừng nào chuyện bạn kể đi rồi tôi dzô nói bạn dzô dziên. Thôi, tôi kể tiếp.

Cây Tăm mẻ hẹn Sữa Mỡ sáng sớm qua lấy sách, vì tối qua mẻ về nhà khuya sợ kêu Mỡ qua thì khó bề an toàn cho Mỡ, lỡ đang đi giữa chừng mà gặp sách tặc thì khó lòng có sách đem cho Xuxu. Ấy là liệu cơm gắp mắm, liệu đường mà đi, nên sáng sớm hôm đó, Mỡ te te chạy qua nhà Cây Tăm, thắng cái kịt, đá chóng, gác chân lên ba-ga, cất tiếng gọi lớn một tiếng: Sách! Tức thì Cây Tăm từ phía sau song cửa kéo bằng sắt đi tới. Tất nhiên là có mở cửa rồi mới đi ra, không phải đang coi phim Terminator phần II đâu mà cứ muốn lỏng là lỏng.

Hiện ra à không đi ra rồi thảy bịch sách xuống cái bịch rồi Tăm bắt đầu giảy bày. "Bữa tui dọn phòng đó, tui gom được một thùng, bự ơi là to, mang ra bỏ bên ngoài phòng, cái mẹ mừng rơn, liền đem bán ve chai". Yên tâm là cái mặt con Mỡ lúc đó cũng đơ y chang như bạn lúc này, là nếu mà bạn có đơ, còn hông thì tôi cũng kệ. Tôi kể tiếp đây.

Rồi con Mỡ về soạn sách, lên danh mục, bao lại, rồi chiều đó chở hai chuyến vùvù vèovèo qua cho Xuxu. Tất nhiên là con Mỡ không có làm một mình, gì chứ mấy chiện làm biếng được thì cứ làm biếng. Mấy chuyện nặng nhọc đó con Xù bạn con Mỡ bao sân hết. Con Mỡ chỉ ngồi chát chờ lái xe thôi. Chấm. Hết chuyện.

Lần này, là tôi nói thiệt. Chuyện có bi nhiêu à tôi hết biết xạo sao rồi. Còn về cái nhan đề phía trên kia kìa, thì nguyên văn nó là thế này. Cái danh mục được lập lên chỉ bao gồm những thể loại sách văn học, hoặc cận văn học - tôi cũng hông biết phân biệt làm sao, ai biết thì chỉ cái? - hoặc là các thể loại sách đọc không quá từ chương khoa giáo mà tóm lại là con Mỡ nó không liệt kê các thể loại sách giáo khoa, các thể loại sách về chính trị gọi chung là TTHCM, hay các thể loại bỏ túi khác. Không phải nó kỳ thị, mà nó thích dậy á. Nhưng mà chưa hết. Phút cuối, Sữa Mỡ còn vác ở đâu về một mớ sách mà người ta thường gọi bằng cái tên chung "Hạt giống tâm hồn" bỏ bịch đem qua Xuxu luôn.

Đống sách này ban đầu Sữa Mỡ có nghĩ tới, nhưng không hề muốn động tới.

Nghe như Sữa Mỡ không muốn đem cho những cuốn sách ấy.
Nghe như Sữa Mỡ không muốn bọn nít đọc những cuốn sách ấy.
Nghe như Sữa Mỡ có nghĩ rằng là chẳng lẽ chúng ta lại phải tìm kiếm yêu thương trong sách như những cuốn sách ấy?


Đó là tôi nghe được, thực hư ra sao tôi cũng không rõ, người ta nói sao thì tôi nghe vậy. Bạn có thắc mắc gì thì cứ đi kiếm con Mỡ mà hỏi.















Thứ Ba, 25 tháng 5, 2010

Chết tới giữa xuân thì



Buổi sáng muộn của nhiều năm về trước, tôi thức dậy với tiếng chuông reng, nghe rõ ràng những lời không thành tiếng, được cả tiếng khóc nấc găm sâu trong cổ họng mình. Tôi vừa mất một người bạn.

Mẹ bạn kể, bạn cứ nghĩ bệnh nhẹ, cả gia đình hy vọng vào chuyến đi, dù mười phần chết chín còn một mẹ cũng cố, bạn còn khoe cái máy vừa ráp mới tinh. Rồi bạn về trong khoang chở hàng. Không ai kềm được nước mắt, tôi nhìn trong ánh nhòe nhoẹt. Quặn thắt.

Buổi sáng của nhiều năm trước, có đủ đau lòng cho buổi sáng nay?




Chào em cô gái chân trần
nhón gót nhảy về trên những ánh cầu vồng.
Ngủ yên!

.




Chết tới giữa xuân thì


Làm sao cất được nỗi buồn
vừa những chiếc hộp gỗ
mỗi lần lòng bỡ ngỡ
mở ra là khóc thôi?

Làm sao vén mây trời
đằng tây rồi đằng đông
dưới miệt lẫn trên non
để mỗi lần em buồn
mượn mây gọi mưa về?

Làm sao để không khóc
một người vừa ra đi
ngày còn thơ trẻ dại
nỗi đau nhờ mắt mẹ
dấm dút rơi, không lời?

Làm sao nói với mẹ
mẹ ơi, con đã về!
một đêm rồi đêm nữa
những tiếng ru không còn

Làm sao lại cùng em
những cơn mơ cổ tích
tròn vo như má chị
phúng phính nâng vai gầy

Làm sao để làm sao?
những chứa chan bạo liệt
Con người là con khỉ gì
mà cứ phải làm sao!


Làm sao để sống lại
thêm một lần nữa thôi
những cuộc đời còn trẻ
chết tới giữa xuân thì
làm sao?














Thứ Hai, 24 tháng 5, 2010

Ba câu hỏi nhỏ.



*chép lại từ cuộc gặp thượng đỉnh của Déplào thảnh thơi lêlết và các thể loại vội vã vội vội vã.



.

1. Có bao nhiêu bảo tàng trong thành phố bạn đang ở? Kể tên ít nhất ba trong số những bảo tàng mà bạn từng vào xem.


2. Có bao nhiêu thư viện trong thành phố bạn đang ở? Kể tên ít nhất ba trong số những thư viện mà bạn từng vào xem.


3. Liệt kê ba (hoặc một) cái tên của các thư viện hoặc bảo tàng tại tất cả các tỉnh/thành/nơichốn bạn từng đặt chân đến, cả du lịch lẫn định cư, cả dừng chân ngắn ngày lẫn thường trú dài hạn.




..


Và các giả định, với mức độ ưu tiên ảnh hưởng có thứ tự giảm dần:

- bạn không phải là người nghiên cứu chuyên nghiệp.

- bạn không phải là tỷ-phú-thời-gian đang trong giai đoạn tập sự làm người lớn: sinh viên, học sinh các thứ.

- bạn không phải là trẻ con trong độ tuổi cần/bị/phải kèm cặp bởi người lớn, hoặc các đối tượng hưu trí về vườn phởn phơ cá chậu chim lồng.

- bạn không phải là công chức làm việc ăn lương theo giờ hành chính, hoặc nghề nghiệp có sự cứng nhắc về mặt thời gian/nơi chốn.

- bạn có nhucầu-muốn-tìnhnguyện được vào bảo tàng/thư viện, xem sách, hiện vật trưng bày hay tìmhiểu-mởmang hiểu biết.

- tại Việt Nam.




...




"Con không thể mãi mãi ăn cắp cái con cần mà không quan tâm đến những người đến sau".




trích Xứ Cát, Quyển hai: Muad'Dib,
về Liet-Kynes, nhà sinh thái hành tinh của Arrakis.










Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2010

ngăn, ngắn và ngắn.



.

Gió trống bỏi
lướt ngang mặt hồ
chiều chung thân
đồng quy hải đăng lom lóm nhòm



..

Ngoài kia, một người mẹ vừa mất con
tôi đến bên nằm xuống
cất tiếng hỏi cánh đồng
sẽ còn bao nhiêu nữa
những đứa con không về.




...


ngày qua bốn mùa
ngày sang tay lấm
mũ mịt đường chờ
cóng còng mi mắt
tim mềm như môi
em gái mười bảy
mưa rơi lẫy bẫy
lẫy bẫy vai gầy

hôn em đi anh
dài thêm mộng đẹp
yêu em đi anh
mắt môi đương thì

yêu nhau đi anh, không đông già bật khóc
yêu nhau đi anh, mắt ướt-tim mềm.

tặng Lê.












Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2010

Câu chuyện nghắn về những chiếc răng



*chép lại từ cuộc gặp thượng đỉnh giữa các thể loại bậnrộngậpmặt (vẫn) ngúng nguẩy (trong) Giàyđỏ và Déplào thảnh thơi lêlết các thể loại.

**Chỉ định: đọc trong giờ làm việc, sau khi xong việc hoặc trên đường đi đến giấc ngủ buổi nào cũng được.

***Cảnh báo: có thể gây ra các hiệu/hậu quả vượt quá mức có thể tưởng tượng được, mặc kệ những nỗ lực quấy rối trước như này.




Câu chuyện chuẩn bị bắt đầu lúc bạn xong hoặc chưa xong việc nhưng vẫn cứ đang trên đường về nhà, sau một ngày dài-dài-dài-ngậpmặt các thể loại, hoặc đại loại thế. Tới con đường chạy ngang nhà, gần tới rồi, chỉ còn thêm nhỏn tí phía trước, và bạn gặp ông hàng xóm. Câu chuyện bắt đầu.


.

ông hàng xóm


mặc váy


mang giày gót cao



tủmta tủm tỉm



Cười!

.







Bạn còn làm gì được nữa?


















*bản quyền bài viết không thuộc về người chép, mọi thắc mắc phát sinh người chép không hoàn toàn chịu trách nhiệm một phần.

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2010

insi∂e I'm ∂æµ∑!µg




Hôm nay tôi kể một câu chuyện cổ tíhc.


1. Hắn được đẩy đến trước mặt mọi người, trong phòng sinh hoạt chung, với vẻ mặt không lấy gì hơn một miếng giẻ. Hắn nói nhanh kinh khủng nhưng ngắn gọn, về bản thân, về chứng thoái hóa cơ, 2 ngón tay phải còn dùng được, và cái mông của mình.

Anh ở đó, nghe được và hiểu những gì hắn nói. Trong khi mọi người thì không, họ không hiểu anh muốn nói gì. Anh bị chứng liệt não, những âm thanh anh tạo ra không khác gì tiếng kêu cá heo; chẳng có ý nghĩa gì đối với mọi người. Anh không tỏ vẽ gì là buồn. Anh thậm chí không cả nói gì về nỗi buồn.

Vậy mà không biết vì lý do gì, hắn hiểu cả. Anh cực kỳ ngạc nhiên, rồi phấn khích; lần đầu tiên trong đời, anh có thể nói cho một người khác hiểu, rằng anh đói, thông qua hắn, một chiếc máy thông dịch mắc toi phun chữ nhanh như đạn bắn. Vậy là tựa như những cơn gió của miền tây khô khóc đã quẳng Dean Moriaty vào cuộc đời của Sal Paradise, anh và hắn trở thành một cặp đôi hoàn hảo, như chưa bao giờ từng.

Hệt như Dean, hắn có cái vội vã của một kẻ không bao giờ đủ thời giờ để vui chơi, để hư hỏng, để tung hê, thậm chí không cả đủ thời gian để nói. Còn anh, lành hơn thế gấp vạn lần, thậm chí là nhút nhát. Vậy mà chỉ anh chơi được với hắn. Vậy mà họ dính với nhau như hình với bóng, dù bao giờ cũng chỉ có một người nói, luyến thoắng. Lại thêm một điều chẳng biết vì sao.

Rồi họ chuyển ra ở cùng trong căn hộ riêng, từ biệt mái nhà êm ấm của sự bao bọc của lòng nhân đạo, anh cùng hắn, nói đúng ra là theo hắn, tập tành sống cuộc đời của một con-người-cố-gắng-sống-như-người-bình-thường. Họ thuê cô, giúp việc.

Rồi số phận lại qua một khúc quanh mới, hắn chết. Và giờ đây anh đang đứng trước một cái hội đồng, một thể loại hội đồng gồm những người khỏe mạnh, bình thường và không hề tàn tật, sẽ quyết định xem liệu anh có thể tiếp tục cái cuộc sống của một người bình thường, như họ đang, hay là trở về với mái ấm bao bọc của tình thương lòng nhân đạo, không cùng họ.

Và bạn tin không, trước câu hỏi của một thành viên hội đồng: "What was your purpose in coming here today?", anh, với sự giúp đỡ của cô, thông dịch viên mới, bạn có tin không?, thay cho miệng hắn, đã trả lời rằng:

- A right must exist independently of its exercise.


Bạn có tin không?



2. Người lớn thật kỳ lạ! Họ có vô vàn những lý do để không tin vào một câu chuyện, rồi cũng cần ngần ấy lý trấu để lại tin vào chính câu chuyện đó, rồi họ lại bày ra cũng chừng ấy bùng nhùng chỉ để chứng minh câu chuyện đó là có thật, với một người lớn khác mà lại cũng có sẵn một mớ tương đương lý với lươn, để chống lại. Hình như họ quên mất, cách tin tưởng, của một đứa trẻ, như một đứa trẻ. Mà lại chính họ, nghĩ ra những câu chuyện cổ tích để ru ngủ đứa trẻ. Vậy mà họ chẳng hề tin; họ chỉ đọc chúng thôi.



3. Con bé nằm đó, mặt xoay ngang giấu mắt vào cái nhắm chặt, tay trái bịt kín cố chặn miệng, nấc lên từng hồi, dù cố gắng nhưng không sao kìm được, nó đang rất hoảng sợ. Cánh tay phải vẫn nằm yên, không hề co lại.

Thằng nhỏ nằm kế bên, vẫn chưa tỉnh, nhưng sắc mặt đã phần nào hồng hào trở lại. Thật may mắn, cho nó, vì con bé có cùng nhóm máu. Thật may mắn!

Anh bác sĩ tóc vàng và bà y tá mắt xanh đứng bên cạnh nhìn mà không làm gì được. Họ không hiểu con bé đang sợ hãi gì. Họ cũng không biết làm gì để an lòng con bé. Họ không thể hỏi hay trò chuyện với con bé được. Họ không biết tiếng.

Phải một lúc sau, với sự có mặt của hai cô y tá bên quân y đến, sau một hồi trò chuyện, con bé mới thôi khóc. Rồi nó cười, rất tươi.

Hỏi ra mới biết, con bé sợ truyền hết máu cho bạn thì nó sẽ chết.
Hỏi lại mới biết, vì sao con bé sợ chết mà vẫn truyền máu cho bạn, nó quay qua, tỉnh bơ nói:

- Vì nó là bạn con.




4. "Hạnh phúc là được tin vào những câu chuyện cổ tích".




Bạn có tin không?
















Thứ Tư, 19 tháng 5, 2010

Thông báo:














Hôm nay không sữa.




























.

Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

Hi, stranger!



1. from Z.












2.

Nếu bạn may mắn được sống ở Paris trong tuổi thanh xuân, thì cho dù có đi đâu trong suốt đường đời còn lại, Paris vẫn ở trong bạn, bởi Paris là một cuộc hội hè miên man.
- Ernest Hemingway


"Paris là thành phố bạn đến lần đầu thì luôn khát khao được đến lần thứ hai. Đến lần thứ hai rồi, nó khiến cho bạn nhớ tới một thành phố khác, nơi mà bạn đã từng bỏ đi. Paris đáng thương vậy đó".

- Phải mất bao nhiêu năm mới có thể yêu Sài Gòn một cách trọn vẹn? Để yêu một thành phố khó như vậy đó. Để yêu nó và khi đi thấy nhớ lại càng khó hơn.

- Không, đáng thương là bạn đó! bạn đáng thương đến độ không có nổi cho mình một nơi duy nhất thuộc về. Nơi duy nhất bạn không bao giờ muốn rời bỏ, cho dù để đến Paris.

- Sài Gòn là gì nếu không phải một ngày, cảm thấy lạc lõng trên chính mảnh đất mình gắn bó, ta lại thấy lòng nôn nao nỗi niềm, mỗi khi bất chợt vang lên ba tiếng 'người Sài Gòn'.

Khi ngày đó đến, liệu chúng ta có ngước nhìn lên bầu trời đêm, với hằng hà ngôi sao lấp lánh và bất chợt lại tự hỏi, một điều dai dẳng đã theo mình suốt thời tuổi trẻ, 'ta, là ai?'.

Khi ngày đó đến, liệu chúng ta có thực sự biết, tuổi trẻ là gì?



3. Và tôi muốn nhớ người con gái đó vô cùng.













to Z.



Chào, ngườilạ.

Xin lỗi vì đây là một bức thư không nên viết. Vì rằng chúng ta là những người xa lạ, và rằng mối liên hệ giữa chúng ta cũng xa vời như khoảng cách, đúng theo bất cứ ngữ nghĩa nào của từ này, giữa chúng ta vậy.

Xin lỗi vì khi bạn đọc những dòng chữ này, là bạn đang là nạn nhân bất đắc dĩ của một hành động vô cùng vị kỷ. Và chính việc thực hiện hành động này, chứ không phải việc bức thư này nói gì, chính là sự tử tế cao quý nhất mà bạn có thể bày tỏ với tôi, và bạn đã bày tỏ, là sự tử tế cao quý nhất mà bản thân tôi từng nhận được, và tôi đã được nhận, nên xin bạn, một lần nữa, bỏ qua cho sự kỳ cực, trong suy nghĩ của một gã tâm thần, cũng như nguyên nhân tồn tại của chính bức thư này: Tôi muốn viết thư.

Sự không rõ ràng trong nội dung bức thư đã làm tôi ngần ngại rất nhiều, nhưng cũng chính sự không rõ ràng đó đã thúc giục tôi rất nhiều. Tôi viết, bởi vì tôi cần phải viết. Bởi vì khi nhìn thấy từng con chữ hiện ra, chắc chắn và cẩn thận, dưới bàn tay mình, điều đó gây trong tôi rất nhiều hứng khởi; trao cho tôi can đảm, can đảm của việc thực làm những gì mình thực sự muốn làm. Và bạn biết không, không ai có thể hiểu được rằng cảm giác nghẹn thở đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất đời một người có thể đạt được. Không ai có thể hiểu.

Bức thư này sẽ được gởi đi, xuyên qua những khung trời xanh thẳm, xuyên qua những ngày tuyết trắng, xuyên qua cả những mùa hè chói chang nắng nữa, - trời mưa thì không xuyên qua được rồi. Và tôi hy vọng nó có thể là ngọn nến bé thắp lên chút ấm áp cho bạn, một nhỏ bé trong to lớn thành phố xa xôi. Vì tôi biết, tôi muốn viết thư, và bạn muốn nhận thư.

Khi cầm bức thư này trên tay, bạn thấy đó, tôi không mong nhận được hồi âm. Việc bức thư này tồn tại, mà lẽ ra nó không nên, không bao giờ nên, chính là sự thú nhận bản tính ủy mị của tôi - cả bản thân những lời như thế này nữa. Đàn ông phải rắn rỏi. Đàn ông không mềm yếu. Và tôi cũng chắc rằng bạn đồng tình với tôi như thế. Nhưng giờ phút này đây, khi tôi viết những dòng chữ này, cũng đồng thời lúc bạn đọc được chúng, xin cho tôi được thành thật không che dấu cái điểm yếu cố hữu của mình. Vì bạn không biết tôi, vì chúng ta hoàn toàn xa lạ.

Nếu có một điều gì về tôi mà bạn cần biết, chính là, tôi không phải kiểu người bất hạnh. Cuộc sống của tôi vốn đầy đủ và dễ dàng. Tôi có gia đình, tôi có bạn bè, và tôi có cả những tình yêu lớn lao đủ để dằn sâu trong lồng ngực. Tôi có tất thảy những thứ con người cần có để tồn tại trong cuộc đời. Và tôi có cả những nhận thức rằng sống không chỉ đơn giản là tồn tại, dù tồn tại cũng là một cách sống.

Nếu có một điều gì đó tôi muốn bạn biết, đó là, Sài Gòn của tôi lại vào mùa điệp. Những con đường trải dày bóng râm với lắc rắc màu vàng hoa nhàu nhĩ. Những thân cây rắn chắc vươn thẳng lên nền trời cao vợi, đung đưa trong ánh lấp lánh vàng của ngày rực rỡ. Sài Gòn của tôi lại vào mùa mưa. Sài Gòn của tôi, vốn đẹp lạ lùng!

Và điều sau cùng tôi muốn nói, khi bạn đọc đến những dòng cuối cùng này, khi bạn chuẩn bị đặt tờ giấy xuống, và, có lẽ, bừng lên một chút cảm giác ấm nồng, rằng bạn đã "vừa trao cho ai đó can đảm để đối mặt với cuộc đời"!

Cảm ơn bạn, người lạ!









Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

Why the world do need no superman?



ben heine





Vì sao ta cóc cần có siu nhưn.



Bạn còn nhớ cảm giác là một đứa bé? Nếu có, bạn quả thật là xạo. Bạn đừng tưởng tôi đùa, thật ra là tôi đang bịa. Vì tôi cũng như bạn, có còn là con nít nữa đâu.

Còn mà nếu không, hãy bắt đầu bằng một cánh đồng. Mà tốt nhất là một cánh đồng thật to, thật lớn, thật bự; rộng tới mức[đến nỗi], bạn [cũng] không biết đó là một cánh đồng, hay không biết cả chính bạn đang là ai, đang ở đâu. Tốt, bây giờ chúng ta bắt đầu là những đứa bé.

Cảm giác làm một đứa bé là cảm giác như thế nào? - Tốt nhất không nên hỏi như thế; hỏi thế thì chẳng khác nào bắt nhau nói xạo[dối]. Vì vậy hãy lờ nó đi, mà tập trung vào câu hỏi đằng[phía] sau trước: Một giấc ngủ thì có cảm giác như thế nào?

Bạn biết không? Tôi thì tôi không biết rồi; khi ngủ thì là tôi ngủ thôi. Chả có phải ăn bánh flan mà cứ phải biết vị như nào!

Nhưng mà để cho dễ mường tượng, thì có thể so sánh như này: ngon như là đêm và êm như là mây! Đấy, đấy là những giấc ngủ ngon. Còn hoặc giấc ngủ không ngon, gặp ác mộgn hay một biến cố giựt thót nào thì không thể êm ả thế rồi. Mà đứa bé gặp ác mộng thì sẽ thế nào? - Đương nhiên là nó khóc thé lên. Thế thì còn gọi là ngủ nghê gì được nữa.

Bởi thế nên, trong liên quan đến những đứa bé, chỉ có những giấc ngủ ngon thôi. Mà phải là thật ngon lành cơm cháo cơ, không có lằn nhằn dật dờ dờ dật đâu nhé. Vì giấc ngủ của [một] đứa bé là đẹp hơn cả vạn cánh đồng!

Chẳng có liên quan gì cả, nếu mà bạn có ý thắc mắc [ấy], giữa ngủ với cảm giác là một đứa bé. Nhưng mà là để dễ bề tưởng tượng ý mà, ý tôi là để cho những người lớn mà mạng nhện đóng dày cả lớp trong đầu dễ bề tưởng tượng ấy: làm một đứa bé cũng na ná như được ngủ một giấc ngon vậy.

Mà phải là ngủ thật ngon nhé! Tôi đã nói rồi nhưng cứ phải nhắc lại, cho chắc, không thì quên mất. Đứa bé vốn mau quên mà. Cứ có gì hấp dẫn, là nó mê tít. Mà [Cái] mới thì cũng hấp dẫn, mà cái gì cũng là cái mới. Giống như vừa quẳng cái lược ra một góc, chụp lấy chai dầu cù, thì chỉ lát sau đã thấy chai dầu nẳm chỏng ngược một đằng, nó đã vồ lấy con heo nhựa đằng khác. Mà cũng chỉ được lát sau con heo nhựa đã tóp teo nằm bẹp xép một nẻo, còn nó đang mắt sáng rỡ lao về phía ngược lại tóm lấy cái lược lúc nãy. Cứ thế, cứ thế; như là nó có thể bò vòng vòng từ trò này sang trò khác suốt cả ngày. Tôi nói thật đấy. Thề đấy!

Ủa mà đang nói tới giấc ngủ ngon mà![?] Đấy, tôi lại quên.[;] C[c]ứ quên suốt. Thôi thì trở lại. Phải là giấc ngủ thật ngon vào, chứ mà giấc ngủ giật thót hay dựng ngược cứ như chốc lại có tiếng chó sủa, hay là mèo kêu, hay là gi gỉ gì gi cái gì đi nữa thì chả được. Chả khác nào một đứa bé mà lại biết rằng nó đang là đứa bé!? Thế thì chẳng khác nào nói đứa bé đó, là tôi. Mà các bạn biết đấy, tôi thì chẳng bé tẹo nào.

Đấy, nói nãy giờ bạn có hiểu không? Bạn có tưởng tượng ra không? Cố nhé! Không được thì cố nhé, chứ tôi thì tôi chả biết giúp bạn sao nữa. Rõ ràng thế rồi mà.

Mà nói về tưởng tượng thì một đứa bé tưởng tượng khác lắm nhé. Không như cái kiểu tưởng tượng của đám đàn ông tụm năm tụm ba trong quán uống cafe thì ít mà ngó quang thì nhiều đâu nhé. Không một chút nào.

Tôi cũng không biết nó khác sao, nhưng tôi vẫn nói thế. Mà nếu có [bị bắt] phải nói thì tôi chỉ có thể nói là rằng trí tưởng tượng của một đứa trẻ bự như cái cánh đờng bự thiệt là bự được nói đến phía trên, mà ở đó, chúng ta đi lạc cơ man không biết bao nhiều lần mà kể. Bởi vậy bạn mà hỏi tôi, nó, cái cánh đồng ấy đấy, như thế nào thì tôi cũng chịu, chả biết đường đâu mà trả lời. Vì tôi cũng đang lạc trong ấy mà. Chừng nào tôi hết lạc, tôi sẽ kể bạn nghe. Mà tôi cũng chẳng biết chừng nào là chừng nào nữa.

Nhưng có điều này thì tôi biết rõ, biết rất rõ nữa là khác; chắc như bắp! Đấy là những người lớn chúng ta, đến một lúc nào đấy, thì chúgn ta chán lớn rồi. Phải bị gì thì cũng thế, chúng ta chán chúng ta cứ lớn thế này rồi. Chúng ta tìm mọi cách để được bé lại, để lại được làm trẻ con. Phải bằng mọi cách, kể cả giả vờ.

Vậy thì làm một đứa bé liên quan gì đến việc cần hay không có siu nhưn? - Cứ có một đứa bé đi, rồi biết. Ừ, cứ có đi đã.




















* bài viết có sử dụng mà chưa xin phép một số tư liệu của đồng nghiệp Alpha, cũng như chưa được sự đồng ý của bố bạn Pi, nếu có bất cứ chửi mắng gì, xin được cúi đầu mà nghe.



[E1] - 10/03/12

Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2010

How long have you been on try to save a man?



CPR hay còn gọi là kỹ thuật hà hơi thổi ngạt, là một loạt những bước cấp cứu cần thiết, giúp kích hoạt tim của một người, mang hay không mang bệnh tim bị bất tỉnh, với hy vọng tỉ lệ cường độ nhịp kích tim, còn hay không còn mạch, trở lại hoạt động. Giống như khi bị mắc nghẹn, không thở được, thì cách ứng phó tốt nhất cho nạn nhân là làm ngay cái hành động đó, mặc dù hơi bị không-dễ coi, dễ nghĩ, nhưng rất hiệu quả. Mà làm cái gì ra hiệu quả thì rất sướng! Bạn đừng nghĩ bậy.

Không như được xem trên truyền hình, nhất là trong các bộ phim Hồng Kông một thời nằm hông Chợ Lớn, các bước thực hiện của kỹ thuật CPR không hề đơn giản. Nó đòi hỏi người thực hiện phải có những hiểu biết nhất định, và vốn thực hành, cũng như sự hướng dẫn ban đầu cần phải tương đối chính xác. Không thì rất dễ xảy ra những hiệu quả sung sướng không tương xứng cho hai bên, như là đếm bước ngắn, đếm bước dài, hay đếm bước lệch, qua hai bên mình người ngất xỉu, là nữ. Đằng nào thì người nằm xuống cũng thiệt.

Tốt nhất vẫn là nên tìm hiểu kỹ càng. Hễ gì liên quan đến con người và tính mạng con người đều không nên vội vàng. Hẳn là không thừa rồi.

Vậy cứu một người mất bao lâu? - Chỉ trong vài cảnh phim, hoặc cùng lắm là vài trang sách. Hoặc là chuyển qua một khung cảnh khác, hay là chết trong một nhắm mắt. Cái chết đến rất nhanh, thường thì không đừng được, và không ai biết được là mình chết.

Được hay là bị trải qua một tính huống liên can đến sinh mạng, mà trong đó, bản thân có hoặc không, có thể hoặc không thể, can dự để làm tăng lên hay là giảm xuống, cơ may thở lại lần nữa của một người khác, thân thiết hoặc không hay là chưa, là tương đối hiếm hoi, xét trên số đông những ngành nghề-các dạng thức hoạt động xã hội có hoặc không có nghiệp vụ liên quan trực tiếp hay cả gián tiếp đến sinh mạng. Kể cả đối với các dạng động-thú-vật khác.

Khó thể nói là trải nghiệm đó nhất thiết sẽ mang lại cùng một dạng phản ứng-cảm xúc đối với từng đối tượng tham dự. Cơ hội được chứng kiến hay là dự phần vào các tình huống đòi hỏi người có mặt có những phản ứng cấp kỳ ứng cứu đã hiếm hoi, thì khó mà mô tả lại chính xác, những gì thực sự diễn ra trong suy nghĩ, hay đúng hơn, những thăng giáng trong cảm xúc của chính con người. Như trong một chớp bàng hoàng. Mọi việc thế là xong. Và con người quên mau.

Nhưng ai cũng tối thiểu đã hoặc sẽ một lần, vào dự đám tang, trong đầu trống rỗng, và nước mắt tuôn trào. Ruột gan quặn xoắn lại, ngực nén chặt, mà trớ trêu, nén càng chặt lại càng dễ chịu. Thở lúc này cũng không còn cần biết nữa. Có ai khóc mà lại còn nhớ cần phải thở đâu!

Cứ như trên bến đò, nhìn qua khung cửa gỗ, ngày càng xa dần, xa dần, nhỏ dần, nhỏ dần, mà không làm gì được. Ngay trước mắt ấy, mà không sao chạm tới được. Phía nào cũng vậy.

Không làm gì được.

Nỗi sợ cái chết nó đáng sợ như vậy đó. Đáng sợ đến nỗi, lắm lúc, người ta nhầm lẫn nó với chính cái chết. Người ta đâm sợ cái chết, dù rằng cái chết là cái chưa ai biết nó là cái gì, bao giờ.

Dù rằng có những người đã chết từ khi mình đang còn sống. Và hiếm có ai biết được.



Vậy cứu một người mất bao lâu? - How long have you been on try to save yourself.











Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010

Một chuyến đi bất thành






Tôi sinh ra từ biển. Đúng vậy, như ngộ không đẻ ra từ hòn đá, sọ dừa đẻ ra từ dấu chân thần, thì tôi sinh ra từ biển. Nói một cách khác, biển đã đẻ ra tôi.

Không, chính xác thì tôi cũng như mọi người được sinh ra trên đời, cũng chui ra từ một xó bé xíu, chật chội, tối thui, mà trắng toát mọi người gọi là nhà hộ sinh.

Tôi cũng có mẹ, cũng có ba, cũng có tên, như mọi người, nhưng tôi khác: kiếp trước tôi là một con tôm. Cũng như bạn tôi là một con bò. Bạn đừng tưởng tôi muốn làm tôm, bạn tôi cũng chẳng muốn làm một con bò.

Bạn tưởng tôi thích thế à? Không, tôi cũng chẳng thích gì con tôm. Ngược lại, tôi không ăn tôm, tôi không thích cả ăn tôm; vì kiếp trước con tôm là tôi. Nhưng kiếp trước con bò không phải là bạn tôi. Kiếp này bạn tôi mới là con bò.

Không tranh con bò với bạn nữa, tôi trở lại với biển. Tôi sinh ra từ biển.

Bạn hỏi tôi tại sao? Thì tại vì tôi thích thế. Nhưng không phải tôi thích biển. Tôi sợ biển còn không hết mà lại đi thích biển; tôi không biết bơi.

Tôi đã từng không biết bơi, và đến giờ vẫn không biết. Tôi cứ tưởng như hồi còn nhỏ, không biết ăn cay thì lớn lên sẽ biết ăn ớt; không biết uống bia thì lớn lên sẽ biết uống rượu, kể có mà dị ứng hay không; không biết đi xe đạp thì lớn lên sẽ biết đua xe máy. Tóm lại, tôi cứ tưởng thế. Mà không phải. Tôi vẫn không biết bơi. Vì thế nên, tôi sợ biển. Tôi sợ chết đuối.

Mà không phải tôi sợ chết, tôi sợ đuối hơn. Chết tôi chưa thử, nên chẳng việc gì phải sợ cái mà mình chưa biết cái gì là cái gì.

Tôi thích nhìn biển. Tôi thích ngồi nhìn biển, ngồi chứ không đứng thì mỏi chân. Tôi thích ngồi nhìn biển, say sưa, đắm đuối, mà không làm gì nữa cả. Tất nhiên là không kể đến những gì tất nhiên như là thở, hay nhìn gái.

Tôi cũng yêu biển như bạn? Bạn đừng lầm, cho bạn ngồi trong cái hộp kính trong suốt nhìn biển hàng giờ liền giữa buổi nắng coi bạn có còn bảo là yêu?

Tôi thích ngồi nhìn biển, vì biển đầy gió, và xa tít tắp ngoài kia là chân trời. Biển bao giờ cũng gắn liền với chân trời.

Đừng có hỏi điên thế, chẳng lẽ người ta lại đi xây nhà hộp ngay giữa biển?

Mà cho dù có thế thì tôi vẫn thích ngồi nhìn biển, buổi lồng lộng gió, người người tấp nập, tàu gỗ chồng chềnh, và chân trời tím ngắt hoàng hôn. Vì dù có ra sao thì vẫn còn đỡ hơn trưa mười hai giờ xách đít ra hồ bơi xong lại phải quay đầu về.


Ngày cbn gì mà đông con nít lắm thế!

















Thứ Năm, 13 tháng 5, 2010

Cô gái với chiếc khăn choàng xanh.



http://nhapnhom.blogspot.com/2010/05/nuoc-my-la-ay-1.html




Bên ô sáng trong suốt nhìn thấu ra ngoài, những chiếc lá sao rơi vèo lơ đãng; tôi nhìn ngắm bóng xe vút lên từ phía khuất, trên bề mặt cong bóng loáng của một chiếc xe khác, đựng đứng bên ngoài. Từng bóng vụt lên, lớn dần, rồi biến mất. Con đường nhỏ, biến thành xiên, như dài đến vô tận; ngõ vắng hun hút thẳm sâu. Tôi nhớ Hà Nội vô cùng.


***


Hà Nội nằm yêm
Những thênh thang gọi
Lối cũ vắng tanh
Ngày thưa đổ nắng
Gọi ngõ đầu ô
Loanh qua loanh quẩn
Kẻ Chợ ngồi chờ
Những cô hàng xinh
Răng không còn nhuộm
Hà Nội dọc ngang
Phố thị bàn cờ
Dọc ngang ngang dọc
Hà Nội nằm yêm.


***


Căn phóng dài chừng quá mươi bước chân nhẹ. Những thanh xà gỗ sáng tối vân tròn vân thẳng đan lưới như dàn hàng duyệt binh trên đầu. Chúng như chực rơi xuống. Hai mặt tường sẫm màu, kéo dài đến cuối, nơi có ĩ ả tiếng nhạc vang lên, ĩ ả.


Tôi ngồi sát bên khung kính, tay chống cằm, cố kiềm mình lại, trước mãnh lực cuồng nhiệt muốn lao qua bên kia, bên kia vùng sáng, bên kia tấm kính trong suốt không màu. Căn phòng đã neo tôi lại.


Như bị hút về phía sáng ấy, đôi mắt vẫn nhìn thấy, người vẫn ngồi im, nhưng như là bị hút lao về phía trước. Người vẫn ngồi im, cả căn phòng và bóng tối sau lưng, như đang giữ mình lại.


***



Tôi lại nghĩ về Haruki, về câu chuyện Kafka bên bờ biển. Những câu chuyện.

Muốn biết Haruki, chỉ cần đọc Kafka.


Không thể làm gì, tôi ngồi mê mãi nhìn.








Tiếc là không được thấy bầu trời, với những đụm mây trôi.


Nhẹ nhàng.









***


Có tiếng nói, chuyện về Suối nguồn: một ngàn một trăm bảy mươi lăm trang, cỡ chữ mười một, khít rịt lại. Nghe như giọng con gái; nghe như giọng con gái, con gái trẻ, như trong thoảng thốt của tiếng cười nhẹ: "Em cần gì ở tôi?". Hình như quán đông người.

Tôi chỉ còn nghe được đến đó, trước khi chuội dần vào mớ hỗn độn ồn ào những âm thanh trò chuyện và tiếng xe vút qua, cho đến tận khi cơn buồn ngủ ập đến.






Giật mình. Tôi vội đi như trốn.


Tháng năm cũ kĩ, ngồn ngộn trở về. Chẳng mấy khác.

Như có cơn mơ màng treo lửng lơ trong mắt.
Chắc chiều nay lại mưa.















Thứ Tư, 12 tháng 5, 2010

Đi về phía mây đen.



Bài này là để chửi.

Chửi thì phải kiếm lý do. Thế nên bắt đầu bằng câu hỏi: Trời mưa thì nên cuộn tròn hay nên đi tắm?

Trả lời: Tắm, từ đầu năm giờ có được miếng nào đâu?! Thế nên mới phải chửi.


Chú giỡn chơi với anh đấy à? Mới nhỏn có tí đã tịt, chú làm ăn thế nào mà nước với nôi nó cứ như vàng giữa công viên thế, hả?! Chú có biết anh chịu đựng bao nhiêu lâu rồi không, hả??? Cứ chờ với chực như chờ ông tiên, mà chú mới chơi có tí đã vội xòe, thì chú bảo anh chịu là chịu thế nào, hả??? HẢ, CHÚ BẢO ANH NGHE CÁI!!!

Chú có biết anh chạy te như vịt về chỉ kịp cất cái máy là vội té ra ngay không hả? Vẫn chả kịp với chú!!! Mà đường thì trơn, xe thắng đĩa, anh lại mập, chú có biết thế là nguy hiểm tăng lên bội phần không? Đã vậy còn phải vừa chạy xe vừa ngó lơ tứ phía, lạy trời chỗ nào đen đâu cho con chui vào nữa chứ. Chú có thấy thế là quá đáng không? Chú có biết thương cái thân anh không? Mà chú không thương thân anh thì chú cũng phải thương ... người thân anh chứ. Tong ngong kiểu thế mà anh có bị gì thì mọi người biết phải làm sao?!

CHÚ BIẾT THẾ LÀ ỨC CHẾ LẮM KHÔOOOOOOOOOOOOOOO???

Sao chú không trả lời hả??? Chú tưởng thế là hay ho lắm đấy hả???

HAAAAAAAAAAAAẢ???



Đấy, em chửi xong rồi.

Nguyên văn là chiều em đang về thì gặp trời mưa. Tính chạy đi luôn nhưng mà em sợ ướt nên vòng về nhà cất máy thay đồ trước rồi mới lại chạy ra. Về tới nhà mới vừa quay vào vừa định quay ra thì thấy hạt mưa lèo tèo rồi. Em hớt hải chạy ra nhưng mà nào có kịp. Thế mới cú!

Nhưng mọi chuyện nào đâu đã dừng lại.

Nguyên văn là mấy hôm trước, trong tình hình hạn hán kéo dài nắng nóng kéo căng, em quyết liệt cầu khẩn, quyết liệt thề thốt, thậm chí đem cả hạnh phúc cả năm còn lại ra đánh đổi: "Nếu ngày mai trời mưa, con hứa năm nay sẽ không yêu ai".

Đấy, thề rồi đấy, hứa rồi đấy, mà mưa cũng ... rồi đấy. Mà mưa như này, hỏi có ức chế không!!!!!

Chán chả thèm cãi.

Bởi thế nên, qua sự vụ lần này, bài học cần được dzút ra là: có cơ hội thì phải chụp ngay, không thôi nó tuột mất. Ức chế lắm!

Nghĩa là có được hốt bao nhiêu thì cứ hốt tất. Đem về phân lô để đó từ từ bán ý lộn xài. Cái nào không xài được thì từ từ xử lý. Không thôi ức chế lắm!

Vì vậy, từ hôm nay, em xin trịnh trọng hẹn với lòng: Phải thật thẳng tay - Phải thật dứt khoát - Phải thực quyết liệt: HỐT TẤT! HỐT TẤT! HỐT TẤT!

Vụ này là cực kỳ quyết liệt; em xin hứa, xin thề, xin đảm bảo là em không hề chắc là em có hốt được hay không nhưng em cứ hứa, quất trước tính sau. Mọi thắc mắc hay có gì thiếu sót xin liên hệ sau để được giải quyết.


Em, quyết liệt, đã ký:


Nhắng.




P.s: Tôi xin cam đoan tất cả những gì mình kể đều có thật, nhưng không đảm bảo cho những gì mình nói.







qua cánh đồng lúa xanh


*xin phép được tặng bố bạn Pi bài này nhé, bố bạn Pi đừng buồn trời nắng nóng nữa nhé!; xin phép tặng luôn cho bố bạn Hà Văn đọc trong lúc ốm cho khỏi nhạt miệng.



Tôi chưa từng ngồi Givral, chưa từng qua Bến Bình Đông, chưa từng nghe câu xàng xê liu cống cống xê liu xàng, chưa từng biết đến một Saigon nào khác ngoài Sài Gòn tôi vẫn thấy mỗi ngày qua mỗi mới, dù tôi ít đi. Nhịp đập hối hả của thời đại luôn luôn mới ộn ã thổi từng hơi nóng hổi, thúc vào lưng vào mặt mỗi người. Thời cuộc rầm rập chuyển mình. Tre già măng mọc, cái mới chồng trên cái cũ, tất cả rồi đều chẳng còn. Có chăng là chút tấm lòng thương nhớ của người thời cũ, như một chút nuối tiếc về những điều dường như đã của ngày hôm qua. Như lời ca vãn, giã từ một thời đã thành dĩ vãng, dù có muốn hay không bao giờ.

Lũ chúng tôi sinh vào cuộc đổi mới
thời đổi thay biết bao sự nhạt nhòa

***

Giã từ dĩ vãng là tên một bộ phim truyền hình, được phát sóng trong khoảng những năm cuối thập kỷ chót thế kỷ trước. Câu chuyện phim bám theo từng bước đời của người đàn bà tên Hạnh: cuộc sống khốn khó, bơ vơ tên chồng, chông gai mưu sinh, hạnh phúc rụt rè, gia đình yên ấm, - những nút cuộn thắt của số phận long dong trong dòng đời một người đàn bà nhập cư, vào thời đổi mới. Không phải là một bộ phim quá xuất sắc, nhưng cũng là vang bóng một thời, dù rằng hôm nay, hơn mười năm sau nhìn lại, cũng chẳng còn gì sót lại ngoài cái sự một thời vang bóng. Họa chăng là thêm được cái tên của cái cô ca sĩ có cái giọng lên cao mà khàn, vút lên: "Giã từ! Dĩ vãng quay lưng còn vương chi kiếp tội tình".

Cũng nhắc chuyện ca sĩ, và cũng một thời vang bóng: chàng trai xứ Memphis, người có giọng hát ngọt ngào không thua gì đường phèn chiết suất từ mật ong nguyên chất không pha, và những bước trình diễn không thua bất cứ ngôi sao đấm bốc đang lên cơn đắm đúi nào; người mà được người ta gọi là Vua và chưa ai đòi hạ bệ, hay bất kỳ cuộc cách mạng nào có thể. Đến đây thì bạn biết rồi, là Elvis Presley. Dù cùng giống cái cô ở trên, cùng là ca sĩ, nhưng về khoản ca hát, anh này là không thể so sánh. Vì bất kỳ câu hát nào của anh cũng có thể trở thành bất hũ; một trong số đó, là câu hát không bao giờ cũ: "Wise men say only fools rush in But I can't help falling in love with you".


***

Cái tứ 'can't help' trên kia là rất hay, rất lợi hại, mà nếu dịch phứa ra tiếng Việt thì có thể dịch thành 'không cưỡng được'; nghĩa là "yêu em không thể cưỡng", hay theo một cách nói khác, "yêu em không cần cửa".

***

Lại một chuyện cũ không bao giờ cũ nữa: Don't judge the book through the cover - untill you truely see its right-bottom corner. Lại dịch phứa ra tiếng Việt thì câu trên có nghĩa là: Đừng vội vàng mua một cuốn sách, cho đến khi coi GIÁ THIỆT của nó. Phải đảm bảo là giá thiệt, vì trong thời hàng giả tràn lan đồ gian tràn ngập, không chỉ những sữa giả, thịt giả, xăng giả mà giá cũng có thể giả nốt, mà nếu không mục sở thị thì người ta rất dễ té cái rầm. Có được cái sự giá giả này,công đầu là thuộc về các hội sách, với một lô lốc cơ cấu giá: giá bìa, giá giảm nhân dịp hội sách, giá giảm chiết khấu, giá đổ đống và giá big sale hay còn là giá thanh lý hàng tồn; người xớn xác tha hồ mà xuýt xoa.

Mà dạo này cái gì cũng mắc, hàng đắt thì mắc đã đành rồi còn hàng ế ẩm ôi nó cũng mắc. Đến cả ly nước mía ngon ngọt nhất thành phố cũng dông giá một phát tăng trăm phần trăm, vọt lên 5k/1ly. Cũng ly nước mía như thế lúc trước uống vào vừa mát bụng vừa nhủ thầm rẻ thối, giờ thì bụng cũng mát mà cũng thầm nhủ rằng rẻ, nhưng mà hết thối rồi.

***

Vòng lại chuyện phim ảnh. Một bữa xem truyền hình, bắt được cái phim Việt Nam. Phim không biết kể về gì và kết thúc ra sao vì giữa chừng là chuyển qua kênh khác coi phim. Nhưng gặp cảnh người cán bộ già, sau một đời lậm lụi, nhận được quyết định nghỉ hưu. Chiều đó, ông xin nghỉ bù, dù chưa bao giờ, rồi bắt xe long dong chạy lòng vòng. Chiều muộn, người vợ, chờ lâu không thấy chồng về, cùng con trai vội vã đi tìm. Tìm thấy ông đang dẫn xe, dắt bộ, đi quanh bờ hồ. Xe cộ hối hả.

Không biết làm sao, tôi lại nghĩ ngay đến những câu sau:

Tôi yêu đất nước này như thế
Tôi yêu đất nước này xót xa
Tôi yêu đất nước này cay đắng
Tôi yêu đất nước này khôn nguôi
Tôi yêu đất nước này áo rách
Tôi yêu đất nước này như thế
Tôi yêu đất nước này và tôi yêu em
Tôi yêu đất nước này rau cháo
Tôi yêu đất nước này lầm than
Tôi yêu đất nước này chân thật
Tôi yêu đất nước này như thế

***

Ai đã từng đọc Bắt trẻ đồng xanh, thì biết đầu đề chứ không phải tựa đề của bài này, là một câu thơ, xuất hiện trong trường đoạn song thoại của Holden Caufield với đứa em gái nhỏ Phoebe, mà thực ra là một câu thơ cổ của Robert Burns. Câu đó có thể dịch phứa ra tiếng Việt, và được dịch ra như thế này: "nếu có ai bắt được ai đó đang đến qua cánh đồng lúa xanh".

Còn bài thơ gốc của Robert Burns có thể xem ở đây.


Đó là một hình ảnh đẹp. Cái vẻ đẹp không thể cưỡng của thơ ca có thể làm con người nhảy múa, thậm chí trong hàng hàng đớn đau, như Tuân Nguyễn trải qua bao nhiên nát tan vẫn đội lên đầu mà hát:


"Cuộc đời vui quá, không buồn được."

***



Và tôi yêu cuộc đời này như thế.











Thứ Hai, 10 tháng 5, 2010

Tháng năm có màu gì?



Clown in the Crowd - David Doubilet



1.

Tự nhiên quên béng mất cái tháng năm, quên luôn cả mấy cái sinh nhật lẽ ra chả cần được nhắc, quên luôn mùa mưa, quên luôn con xu, quên luôn gian nhà xưởng với cái lò phừng phực, ì ạch lên độ mỗi nửa tiếng một lần, bằng tay. Tháng năm chỉ một năm trước chui tọt đi đâu, mà nếu không có ai nhắc thì chắc cũng chỉ nhớ một tháng năm với con số mười: mười kg chẵn thịt (mỡ) vác thêm vào mình chỉ qua hai kỳ nghỉ lễ dài như trái dưa hấu. Quả nhiên khả năng co giãn của da thịt con người là vô hạn! Quả nhiên không bao giờ được đánh giá thấp tiềm năng tăng trọng của bản thân, cho dù bản thể đã có sẵn biểu hiện tố chất làm heo hay chưa. Mình thật lợi hại.

Mà Sài Gòn mùa này lại nóng, không, quá nóng! Những 33 - 34 độ, hành quân liền tù tì. Đến nỗi chỉ việc cỏn con là mở cửa, bước ra đường, dắt xe, mua bánh mì - vô cùng đơn giản, cũng đòi hỏi nhiều hơn một lời đe dọa, của hai cái bụng đói ngấu, nằm lại. Máy lạnh trong phòng chạy hết số, 20 độ, rù rì rù rì.

Nhưng không phải ngày nào cũng là chủ nhật. Cũng như không phải thứ hai nào cũng được nghỉ bù. Và càng không phải ai cũng hiểu thấu tình cảnh vác thân (mỡ) băng băng đi giữa trời nắng (nóng, khồng, quá xá nóng!) như này: đường thì xa, xe thì đông, mà trời thì nhất quyết không chịu mưa, không cả một hột. Dù rằng khổ chủ đã quyết liệt cầu khấn, quyết liệt thề thốt, thậm chí đem cả hạnh phúc tương lai trong cả năm còn lại ra đánh đổi. Chẳng bõ. Nắng vẫn nắng. Nóng vẫn nóng. Người vẫn béo, mòn mỏi trông chờ đến mỏi mòn, sao mà trời không mưa?



2.

Tự nhiên thèm một cái gì đó.

Thèm được uống ngụm bia, cười vung vít trong buổi tối trời mát lành, gió và đèn đường là đồng hành: người lao vun vút vào đêm như muốn gom hết tuổi trẻ cháy sáng.

Thèm một hớp thuốc, một bữa quay cuồng và những chuyến đi xa; đôi khi thèm cả cảm giác được thấy mình hư hỏng.

Thèm cả cái cảm giác căng mình mới qua. Thèm cả sự mỏi mệt của những ngày hai ba tiếng ngủ, thèm cái cảm giác sống với tràn trề sức lực, như thể quên cả mình tồn tại - những đêm giấc ngủ dựng ngược.

Thèm một cánh thư tay, thèm vòng quay chong chóng, thèm căng cánh diều uống gió giữa chiều mầu. Thèm cơn mưa phùn, thèm ngày đông xuống phố, thèm thênh thang những quãng vắng không người. Thèm nụ cười người dưng, thèm lao chao ngọn nến, thèm bước nhanh trên con phố lát đá xù xì nhấp nhô không đều. Thèm móm mém người già, thèm cái môi em bé, thèm buổi trưa nắng quẩn quanh dốc phố lạ.

Thèm cả đi lạc.



3.


Tháng năm nắng vắt xanh lên từng ô cửa, xao xuyến.


Và thèm say như côn trùng bay.



















Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2010

Đến bao giờ?



Trong tiết tháng 3 nghĩ về một sớm bình minh tuyết trắng
Những giấc mơ tiện nghi giả gỗ sáng lóa nằm ngay giữa trang nội thất
Những ngôi sao chớm lấp ló phía chân trời
lung linh - lấp lánh;
Vẫn chưa tới ngày phát lương.

Chín mươi dặm trên đường - song song chạy dọc bờ biển
nhìn sang là chân trời
xe vun vút chỉ thấy một vệt trắng nằm giữa
kéo theo tấm màn nhung mềm như lụa chằng kín bít cả mặt
như có cả binh đoàn gió ra sức kéo giật phía sau
rung cả tay lái
Khó lòng cưỡng lại một cơn mưa!

Những gì ngọt ngào
cất tận túi sâu
Những gì ngọt ngào
ném vào mắt nhau
Những ánh nhìn vỡ.

Lãng mạn là không cần thiết,
khi chén cơm vẫn còn bữa vung bữa đầy.

Tuổi trẻ rồi cũng mất mát theo cùng một cách:
sợ hãi cái chết hay là tự dối mình bấu víu vào từng chút hơi thở phập phồng cuồng nhiệt mà vội vã
rằng ta đang còn sống:
giấc mơ bất tử chẳng khác nào giấc ngủ dài,
vắt ngang qua tuổi nào không còn trẻ.

Nếu ví mỗi sự tồn tại như một số nguyên dương
thì sự cô đơn có biến mất ở đầu kia vô tận?
chưa kể đến số vô tỷ,
số thực
số phức,
- phứk tạp!

Cố vắt tay lên trán nghĩ về những đụm mây sáng
về tiếng véo von của một buổi nắng sớm màu xanh
về bộ lông mèo mềm mại ngái ngủ cà cà trên dúm dó tấm chăn bị đùng vào góc
về cây dù màu đỏ
về chiếc cần cẩu và lũ cá trong hồ
về gót chân thon, nhón nhén trên sàn gỗ màu gụ
về những chiếc bong bóng nước ánh lên đủ sắc cầu vồng
về một câu chuyện giữa giờ một buổi mới vào ca
về sách
về ti tỉ thứ khác
biến mất
trong một cái ngáp ruồi.


Vậy đến bao giờ, thì tôi biến mất?











Thứ Tư, 5 tháng 5, 2010

What the hell are you waiting for???



http://www.facebook.com/photo.php?pid=908175&id=1547327554



1.

Mattia biết phải làm gì. Anh phải qua đó, ngồi lại trên đi-văng, phải nắm tay cô và nói rằng lẽ ra anh không nên ra đi. Anh phải hôn cô một lần nữa, một lần nữa, rồi lại một lần nữa, cho tới khi họ quen với cử chỉ ấy đến độ không thể thiếu nó được. Điều đó vẫn xảy ra hàng ngày trong các bộ phim và trong hiện thực nữa. Người ta vẫn làm những gì họ muốn, bấu víu vào các sự trùng hợp ít ỏi rồi dựa vào đó mà kiến tạo sự tồn tại.

[...] Cô giữ chúng cẩn thận, để chúng vào chỗ dễ nhìn thấy, để anh biết cô luôn để mắt tới chúng. Mattia hiểu điều đó. Anh hiểu tất cả, nhưng không thể nhúc nhích khỏi vị trí của mình. Như thể nếu buông xuôi theo tiếng gọi của Alice, anh có thể sẽ bị mắc bẫy, bị đắm chìm trong đó và đánh mất bản thân mãi mãi. Anh cứ bất động trong yên lặng, chờ cho tới khi quá muộn.

Bên trong tất cả là đèn sáng, bên ngoài tất cả là bóng đêm.



Những gì còn lại
(2007)


2.

Các số nguyên tố chỉ có thể chia hết cho 1 và cho chính nó.




Bên trong và bên ngoài làn nước
(1998)




3.















*trích Nỗi cô đơn của các số nguyên tố. - Paolo Giordano, bản dịch của Lê Thúy Hiền, Nxb Văn học - Cty Cổ phần Văn hóa và Truyền Thông Nhã Nam, 2009.